Khu vực Tây Nguyên đã có bản đồ địa hình số

03:07, 10/07/2011

Ông Hoàng Văn Tám, phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Lâm Đồng cho biết, Cục đo đạc bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường) vừa tiến hành bàn giao cho 5 tỉnh Tây Nguyên một hệ thống cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý đi kèm với bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 dạng số khá hoàn chỉnh.

Ông Hoàng Văn Tám, phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Lâm Đồng cho biết, Cục đo đạc bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường) vừa tiến hành bàn giao cho 5 tỉnh Tây Nguyên một hệ thống cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý đi kèm với bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 dạng số khá hoàn chỉnh.

Với vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, Tây Nguyên là khu vực đầu tiên được Cục đo đạc bản đồ Việt Nam - Bộ Tài Nguyên & Môi trường lựa chọn để thực hiện hai dự án là “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỉ lệ 1/10.000 gắn với mô hình độ cao cả nước” và “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỉ lệ 1/2.000 và 1/5.000 cho các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khi kinh tế trọng điểm”. Cơ sở dữ liệu địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao khu vực các tỉnh Tây Nguyên được xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính 5 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, gồm 1229 mảnh bản đồ 1.10.000. Mô hình số độ cao cho khu vực này được xây dựng dưới dạng 2 loại cho phù hợp với địa hình có độ dốc trung bình và độ dốc lớn.

Đặc biệt, bản đồ địa hình 1/10.000 dạng số được lưu trữ theo đơn vị mảnh, mỗi mảnh gồm 7 file chứa đựng được bảy nội dung là cơ sở toán học, dân cư, giao thông, địa hình, thủy hệ, ranh giới và thực vật. Thông tin, dữ liệu sẽ liên tục được cập nhật cho phù hợp với sự vận động và phát triển của khu vực.

Ông Hoàng Văn Tám cho biết, cơ sở dữ liệu thông tin địa lý là một dạng tài liệu đặc biệt quan trọng, có thể sử dụng tra cứu, trình bày hiển thị và chiết xuất theo phạm vi địa giới hành chính chi tiết đến cấp xã, người dùng lựa chọn theo từng đối tượng, từng chủ đề hoặc nhiều đối tượng được quan tâm cùng một lúc.

Việc xây dựng bàn đồ địa hình dạng số có tác dụng to lớn trong điều tra khảo sát cơ bản bề mặt trái đất, góp phần giúp các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngành, doanh nghiệp… đánh giá được hiện trạng tự nhiên, các hoạt động kinh tế, xã hội một cách nhanh chóng, chính xác. Trên cơ sở đó thực hiện việc quy hoạch, định hướng phát triển vùng, khu vực, bằng các chức năng thu thập thông tin, quản lý, truy vấn, phân tích và tích hợp các thông tin dạng cơ sở dữ liệu số trên nền công nghệ thông tin.

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Lâm Đồng, công trình này đánh dấu một mốc quan trọng trong ngành đo đạc bà bản đồ Việt Nam, chuyển đổi từ chỗ thành lập bản đồ in trên giấy nay đã tiếp cận và làm chủ được công nghệ bản đồ số phù hợp với sự phát triển của thế giới.

NGÔ KHẮC LỊCH