Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước: Tiết kiệm, hiệu quả cao

03:07, 26/07/2011

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của cơ quan Nhà nước trong tỉnh được triển khai từ lâu nhưng chỉ thực sự chuyển biến mạnh từ hơn 3 năm trở lại đây.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của cơ quan Nhà nước trong tỉnh được triển khai từ lâu nhưng chỉ thực sự chuyển biến mạnh từ hơn 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, quá trình chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng, nhất là các cuộc họp giữa Trung ương và tỉnh, giữa tỉnh và các cấp chính quyền địa phương ngày càng được công nghệ hóa trên nền tảng đường truyền internet bước đầu hiệu quả và tiết kiệm.

Hiện nay mạng truyền số liệu chuyên dụng của Lâm Đồng đã được đầu tư xây dựng đến các sở, ngành và UBND cấp huyện, thành phố; kết nối Văn phòng UBND tỉnh với Văn phòng Chính phủ bằng đường truyền tốc độ cao (2 Mbps) do Trung tâm Tin học Văn phòng UBND tỉnh quản lý. Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý Cổng thông tin điện tử trực thuộc Sở Thông tin Truyền thông đang vận hành quản lý các đường truyền bao gồm: 1 đường leasedline 128 Kbps phục vụ dịch vụ phân giải tên miền và dự phòng dịch vụ thư điện tử, 1 đường truyền quang tốc độ tối đa 24 Mbps cho dịch vụ thư điện tử. Với mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố bằng đường cáp quang thông qua mạng internet đã chuyền tải những thông tin chỉ đạo điều hành, quản lý, hội họp và các dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân được kết nối với Văn phòng Chính phủ, các dịch vụ thư điện tử và xa hơn nữa là đến các xã, phường. Qua đó, các phần mềm cơ bản được triển khai bao gồm: Phần mềm quản lý và điều hành công việc tại Văn phòng UBND tỉnh và 11 sở, ngành; 7 huyện, thành phố; hệ thống một cửa điện tử, phần mềm quản lý nhân sự, tài chính kế toán và tài sản cố định… Hầu hết hiện nay các sở, ngành và địa phương đều có website cung cấp đầy đủ các dịch vụ, thủ tục hành chính công như: quy trình, thủ tục hành chính được các đơn vị thực hiện, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống biểu mẫu điện tử… Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến được tỉnh cung cấp trên mạng lên tới 1.068 dịch vụ. Việc ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước đã có bước chuyển biến mạnh, góp phần cung cấp dữ liệu, trao đổi thông tin và một số dịch vụ công, tạo thuận lợi trong điều hành quản lý. Với phần mềm văn phòng điện tử trong 10 cơ quan đã đạt tỷ lệ lưu chuyển văn bản trên mạng lên tới 90%. Hệ thống thư điện tử trang bị cho 30% cán bộ công chức trong tỉnh và có tới 85% cán bộ công chức sử dụng thư điện tử công việc. Bên cạnh đó các cơ quan ngành dọc ứng dụng thông tin có hiệu quả như Sở Tài chính, Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo… đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành về đất đai, con người, doanh nghiệp, thuế, hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, kiến trúc - quy hoạch, tài nguyên - môi trường và hệ thống thông tin dịch vụ... Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng chỉ sau hai năm đi vào hoạt động đã cung cấp 1.377 dịch vụ công, chưa kể các cổng thông tin điện tử của một số đơn vị khác. Đặc biệt, đã triển khai đường truyền đến hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh với 15 điểm cầu phục vụ các buổi họp trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh và từ tỉnh đến các địa phương trong tỉnh một cách thuận lợi, tiện ích, hiệu quả cao.

Với những tiến bộ ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, tạo ra những thông tin, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp giảm thiểu sự đi lại của doanh nghiệp cũng như người dân mỗi khi cần tìm hiểu thông tin, các văn bản giấy tờ, chính sách phải đến các cơ quan nay chỉ cần kích chuột là có ngay. Hơn nữa, nếu như trước đây, mỗi khi tỉnh tổ chức các cuộc họp phải triệu tập lãnh đạo các huyện, thành đi về tỉnh thì nay thông qua hội nghị trực tuyến, dù ở xa như huyện Cát Tiên cũng có thể trao đổi, bàn thảo, tỉnh có thể điều hành các nội dung liên quan. Theo Sở Thông tin Truyền thông, trong quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020, đặt ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011 - 2015 phải xây dựng hoàn thiện căn bản hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, mở mạng Wan của tỉnh đến cấp huyện và một số xã trọng điểm, nhất là sẵn sàng tham gia Chính phủ điện tử trong tương lai; phát triển và hoàn thiện dần hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho 100% cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các huyện, thành phố được thực hiện trên môi trường mạng (gọi tắt là họp trực tuyến). Triển khai 100% các cơ quan Nhà nước bao gồm các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thành và trên 60% UBND cấp xã có mạng nội bộ, kết nối internet băng thông rộng.
KHẢI NHIÊN