Beeline: Bị thổi còi, sim "tỷ phú" vẫn bán

09:10, 26/10/2011

Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tới hai lần gửi công văn “thổi còi” gói cước tỷ phú của mạng di động Beeline trong tháng 9/2011.

Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tới hai lần gửi công văn “thổi còi” gói cước tỷ phú của mạng di động Beeline trong tháng 9/2011. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, người dùng di động vẫn dễ dàng mua và sở hữu gói cước trên.


Chỉ trong hai ngày 16/9 và 19/9/2011, Cục Viễn thông đã có tới hai công văn số 178/CVT-GCKM và 208/CVT-GCKM gửi công ty cổ phẩn Viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile) yêu cầu giải trình và ngưng việc cung cấp gói cước tỷ phú. Theo Cục Viễn thông, việc Beeline tung ra gói cước này là đã vi phạm quy định hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động.

Theo phân tích của một chuyên gia viễn thông, về nguyên tắc, nếu gói cước tỷ phú của Beeline dù có bán dưới giá thành dịch vụ nhưng chỉ được áp dụng triển khai trong một thời gian nhất định thì sẽ không bị cơ quan quản lý nhà nước thổi còi. Đặc biệt là với một doanh nghiệp mới tham gia thị trường, thị phần có khá ít ỏi hiện nay.

Thế nhưng, việc doanh nghiệp chấp nhận tới 10 năm không có lãi khi tung ra gói cước này (người dùng đăng ký gói cước tỷ phú của Beeline được dùng trong 10 năm liền) thì lại đang vi phạm vào Luật Viễn thông, Luật Cạnh tranh mà nhà nước đã ban hành, áp dụng.

Chỉ có thể chấp nhận một doanh nghiệp mới tham gia thị trường, gây dựng thuê bao, người dùng bằng khuyến mại “khủng” trong một khoảng thời gian cụ thể, sau đó, khi họ đã có “lưng vốn” rồi thì phải gia nhập cuộc chơi một cách công bằng chứ không thể có tới cả 10 năm chấp nhận… cho không người dùng tiền cước, dù đó là cước nội mạng như Beeline đang làm được.

Được biết, sau lần không tuân thủ đầu tiên khi Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn gửi tới, ngày 19/9, đúng thời điểm công văn thứ hai yêu cầu ngưng cung cấp gói cước được ban ra, mạng di động Beeline đã có công văn gửi phản hồi đã tuân thủ theo yêu cầu của phía cơ quan quản lý nhà nước.

Song, có vẻ như đó chỉ là sự chấp hành trên giấy, bởi thực tế, cho tới thời điểm này, sau hơn 1 tháng Beeline cho ngưng gói cước tỷ phú, người ta vẫn dễ dàng mua được sim tỷ phú ngoài thị trường.

Chỉ có điều, thay vì mức giá bán ra từ nhà mạng, 20 ngàn đồng/SIM thì người dùng phải mua ở các mức cao hơn thế khá nhiều. SIM tỷ phú của Beeline đã bị đẩy giá lên khá cao. Phát hành với giá 20.000 đồng, nhưng khi bán trên thị trường, giá lên đến 45.000-50.000 đồng, cá biệt có cửa hàng còn bán tới 75.000 đồng/SIM.

Có hai giả thuyết được đặt ra, một là Beeline đã không chấp hành nghiêm yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngưng cung cấp gói cước tỷ phú. Trường hợp thứ hai, nhà mạng này đã “lách luật” bằng cách chuyển toàn bộ các SIM của gói cước này cho các đại lý phân phối kích hoạt trước ngày thời điểm bị thổi còi. Và vì đã kích hoạt rồi, nên cho tới giờ này các đại lý vẫn ngang nhiên bán SIM tỷ phú cho người có nhu cầu.

Xem ra, dù có dùng hình thức nào đi chăng nữa, thì việc SIM tỷ phú Beeline vẫn có mặt trên thị trường ở thời điểm này vẫn là vi phạm quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không tuân thủ ở trường hợp thứ nhất, Beeline đang vi phạm hành chính do cung cấp gói cước không có lợi nhuận.

Còn nếu để đại lý kích hoạt SIM rồi bán ra thị trường, Beeline vi phạm quy định về quản lý thuê bao trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Khi đại lý kích hoạt SIM đồng nghĩa với phải tìm ra hàng loạt các tên, địa chỉ người đứng số thuê bao ảo hoặc có thật thì một người phải đứng tên cho hàng chục SIM số, trong khi Bộ chỉ cho phép mỗi cá nhân chỉ được sở hữu không quá 3SIM số/mạng di động. Điều này đã khiến người dùng mua SIM tỷ phú của Beeline hầu hết không được đứng tên cho chính số thuê bao của mình vì đã có người khác "đăng ký hộ" rồi.

Vấn đề đặt ra là, nếu vi phạm hành chính, doanh nghiệp chỉ phải nộp một số tiền nhất định mà thôi. Còn nếu vi phạm quy định về quản lý thuê bao trả trước, thì dù cơ quan quản lý có biết, cũng chưa thể phạt được. Vì muốn có chứng cứ rõ ràng, cũng cần phải có thời gian để rà soát, đối chứng thông tin, dữ liệu đã đăng ký từ nhà mạng. Đây vốn là việc mà Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an tiến hành thử nghiệm tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng ngót năm nay vẫn chưa công bố kết quả.

Từ sự việc của Beeline cho thấy, phía cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn những kẽ hở trong quản lý để doanh nghiệp lách luật, “thi đấu” không sòng phẳng trong cuộc đua giành thị phần, thuê bao.

Cơ quan quản lý nhà nước cần phải chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý hoạt động khuyến mại, giá cước của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Dù được ưu ái hơn các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, nhưng điều đó không có nghĩa, doanh nghiệp mới tự cho phép mình thích cung cấp gói cước, khuyến mại "khủng" thế nào cũng được.
 
(Theo vnmedia)