Người “số hóa” cho bộ từ điển Việt – K’Ho

04:11, 16/11/2011

Anh Nguyễn Minh Thảo là người đã viết thành công phần mềm Từ điển Việt – K’Ho dùng trên máy vi tính và được trao giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Lâm Đồng lần V.

Là một y sĩ nhưng anh Nguyễn Minh Thảo (công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) lại rất đam mê công nghệ thông tin. Anh cũng chính là người đã viết thành công phần mềm Từ điển Việt – K’Ho dùng trên máy vi tính và được trao giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Lâm Đồng lần V.
 
Anh Thảo đang chạy thử bộ từ điển Việt – K’Ho trên máy tính
Anh Thảo đang chạy thử bộ từ điển Việt – K’Ho trên máy tính

Vốn đam mê công nghệ thông tin nên những câu chuyện của anh Thảo chỉ xoay quanh kiến thức về tin học, về những phần mềm tiện ích dùng trong y học… Lý do để anh viết phần mềm Từ điển Việt – K’Ho cũng rất đơn giản. Đó là vào cuối năm 2004, anh được cử đi học tiếng K’Ho và thấy rất thích thú nhưng cuốn giáo trình học tiếng K’Ho lại ngắn, chỉ vài chục trang với số lượng bài học không nhiều. Chưa thỏa mãn, anh đã tự tìm kiếm tài liệu khắp nơi để phục vụ việc học của mình và các học viên trong lớp. Anh Thảo nhớ lại: “Trong một lần tình cờ lục lại tủ sách của gia đình, tôi đã tìm thấy cuốn Từ điển Việt – K’Ho khoảng sáu ngàn từ, do Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng xuất bản năm 1983 và coi như một tài liệu quý giá phục vụ việc học”.

Tuy nhiên, trong quá trình học và tra cứu cuốn từ điển này thấy còn nhiều trở ngại, không tiện lợi lắm nên anh tự hỏi: “Tại sao không đưa cuốn từ điển này thành phần mềm tra cứu trên máy vi tính, vậy sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn ?”. Từ ý tưởng ấy cộng với kiến thức tin học sẵn có, anh đã tận dụng thời gian rảnh rỗi, những ngày nghỉ ở nhà để thu thập tài liệu cho việc viết phần mềm.

Dựa trên nguồn tư liệu của cuốn từ điển cộng với giáo trình trên lớp, anh tự tay nhập từng trang sách thành những cơ sở dữ liệu điện tử. Sau nhiều ngày tập trung làm việc và sửa lỗi, cuối cùng bộ Từ điển Việt – K’Ho chạy trên nền Microsoft Acess cũng đã hoàn thành. “Lúc ấy bộ từ điển chưa có giao diện như bây giờ đâu vì lúc đó mình nghĩ chỉ để sử dụng trong thời gian học thôi. Mãi sau này khi gửi bộ từ điển này đi dự thi trên tỉnh mới hoàn thiện hơn” – anh Thảo nói.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, bộ từ điển hiện nay đã khá hoàn chỉnh. Phần mềm bằng tiếng Việt và chạy trên nền Acess, gọn nhẹ, không cần cài đặt và rất dễ sử dụng. Người dùng chỉ cần chạy chương trình và truy cập theo từng mục chức năng trên giao diện như tra cứu Từ điển Việt – K’Ho, học ngữ pháp tiếng K’Ho, dịch mẫu câu từ tiếng Việt sang tiếng K’Ho. Anh Thảo cho biết: “Điểm độc đáo của bộ từ điển này là không chỉ tra cứu từ tiếng Việt sang tiếng K’Ho như nguyên mẫu mà còn có thể tra ngược lại từ tiếng K’Ho sang tiếng Việt rất dễ dàng”.

Ngoài ra, phần mềm còn có chức năng đọc truyện tiếng K’Ho và cách sử dụng từ trong tiếng K’Ho. Ví dụ người dùng có thể chọn một từ bất kỳ trong dữ liệu như từ “phul” (nghĩa là “nhổm”) sau đó phần mềm sẽ liệt kê ra hàng hoạt những câu có liên quan đến từ “phul” thường được sử dụng trong tiếng K’Ho (có cả câu dịch sang tiếng Việt bên dưới để minh họa). Còn chức năng dịch từ, dịch mẫu câu tiếng Việt sang tiếng K’Ho (và ngược lại) sẽ giúp người học dễ nhớ từ và cách sử dụng từ trong từng ngữ cảnh.

Theo tác giả, phần mềm này có hai chức năng vẫn chưa được hoàn thiện đó là học ngữ pháp và truyện tham khảo bằng tiếng K’Ho. Hiện tại, cơ sở dữ liệu của 2 chức năng này còn khá ít, chưa liệt kê hết trong tài liệu. Anh Thảo chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hai chức năng này và nếu có điều kiện sẽ xây dựng thêm chức năng nghe – nói cho bộ từ điển hoàn thiện hơn”.

Trên thực tế, khả năng áp dụng của bộ phần mềm này sẽ rất hữu ích đối với các học viên trong chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức và cán bộ cơ sở của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời đây cũng là một công cụ hữu ích cho những ai thích nghiên cứu, học tiếng K’Ho nói chung. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của đồng bào người K’Ho – một dân tộc bản địa trên vùng đất Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

NGUYỄN DŨNG