Nhìn lại “quỹ” đa dạng sinh học

03:11, 06/11/2011

Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá cao về sự đa dạng sinh học hệ sinh thái, đa dạng về loài và đa dạng về nguồn gen. Tuy nhiên, cũng địa phương cần có sự báo động về sự suy thoái đa dạng sinh học.

Thiên tai cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho rừng Lâm Đồng suy giảm sự đa dạng sinh học
Thiên tai cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho rừng Lâm Đồng suy giảm sự đa dạng sinh học
Sau cái chết của con tê giác cuối cùng tại Vườn quốc gia Cát Tiên, các nhà khoa học không thể không đặt lại vấn đề đa dạng sinh học ở Lâm Đồng. Theo nhìn nhận của các nhà khoa học, Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá cao về sự đa dạng sinh học hệ sinh thái, đa dạng về loài và đa dạng về nguồn gen. Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng chính là địa phương cần có sự báo động về sự suy thoái đa dạng sinh học.

Nhìn nhận về sự đa dạng hệ sinh thái Lâm Đồng không thể không nhắc đến sự đa dạng sinh thái rừng trên cạn. Theo các nhà lâm học, nhờ phân bổ trên các đai cao khác nhau nên Lâm Đồng hình thành được nhiều kiểu thảm thực vật rừng khác nhau; đặc biệt là các khu rừng đặc dụng ở đây thể hiện khá đầy đủ những hệ sinh thái rừng tiêu biểu như rừng hỗn giao lá rộng với lá kim, rừng lá rộng rụng lá, rừng hỗn giao tre với cây gỗ phân tán… Ở hệ sinh thái ngập nước, ngoài những vùng đất ngập như bàu Đĩa, bàu Cá Rô, bàu Sấu… của huyên Cát Tiên, còn phải kể đến bàu Chim và bàu Sen của khu Cát Lộc – nơi sinh sống của quần thể tê giác một sừng trước đây.

Nói đến sự đa dạng về loài thực vật, theo số liệu của cơ quan chuyên môn, Lâm Đồng đã thống kê được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm. Điều đáng chú ý, trong các loài thực vật này, có đến 131 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam và 45 loài được liệt kê vào danh lục sách Đỏ của IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế); và đáng kể là các loài thông đỏ, thông hai lá dẹt, thông Đà Lạt, powmu, bách xanh… Về loài động vật, nếu không thể kể được nữa loài tê giác một sừng vừa bị WWF tuyên bố tuyệt chủng ở Việt Nam, sự đa dạng về loài của rừng Lâm Đồng vẫn đang được nhắc đến với 86 loài thú, 686 loài côn trùng, 301 loài chim và 102 loài bò sát. Trong số này có rất nhiều loài được nêu trong sách Đỏ của IUCN và sách Đỏ Việt Nam như chà vá chân đen, vượn đen má vàng, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, báo gấm, báo hoa mai, voi, công, gà lôi trắng, trĩ sao, hồng hoàng, gà so cổ hung…
Cùng đó, sự đa dạng loài ở hệ sinh thái ngập nước còn phải kể đến 111 loài cá thuộc 20 họ trong 8 bộ, 257 loài thực vật phiêu sinh và 63 loài động vật đáy (thống kê chưa đầy đủ). Đặc biệt, trong 111 loài cá ở Lâm Đồng hiện nay có đến 5 loài được nêu trong sách Đỏ Việt Nam đang bị đe dọa là thông tin được các nhà khoa học cảnh báo.

Nói về sự đa dạng về nguồn gen, các nhà khoa học chỉ ra rằng: “Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá là có tính đa dạng sinh học rất cao, chứa đựng một nguồn gen phong phú. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng đảm bảo sự phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Sự đa dạng gen trong các quần thể các loài động, thực vật là cần thết giúp duy trì quần thể các laoif nguy cấp, quý, hiếm, làm tăng khả năng phục hồi các quần thể này trước những biến cố như dịch bệnh từ các quần thể cây trồng vật nuôi, sự xâm lấn của các loài ngoại lai, sự biến đổi khí hậu…”.

Cùng với việc đặt lại vấn đề đa dạng sinh học ở Lâm Đồng, các nhà khoa học còn chỉ ra một số nguyên nhân gây suy thoái đa dạng sinh học ở địa phương này là: “Cũng như các tỉnh khác trong cả nước, sự đa dạng sinh học ở tỉnh Lâm Đồng đang đứng trước những nguy cơ suy thoái thể hiện qua các cấp độ: Giảm chất lượng và chức năng của hệ sinh thái, nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, suy giảm quần thể… Trong một số trường hợp, đa dạng gen của quần thể các loài trọng tâm cũng đang bị suy thoái do mất nơi sống và chia cắt manh mún sinh cảnh, giảm hành lang đa dạng sinh học, làm cô lập các quần thể này; các mối đe dọa đối với tính đa dạng của tỉnh Lâm Đồng cũng đa dạng và có tác động lẫn nhau…”.

KHẮC DŨNG