Phục dựng bộ xương tê giác Java

10:11, 22/11/2011

(LĐ online) - Cuối tháng 12 này, bộ xương tê giác Java Việt Nam (rhinoceros sondaicus annamiticus, còn gọi là tê giác một sừng) sẽ được phục dựng xong để trưng bày tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

(LĐ online) - Ngày 22/11, ThS Hà Thanh Tùng- Phó phòng Bảo tàng, Viện Sinh học Tây Nguyên cho biết: vào cuối tháng 12 này, bộ xương tê giác Java Việt Nam (rhinoceros sondaicus annamiticus, còn gọi là tê giác một sừng) sẽ được Viện này phục dựng xong để trưng bày tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

bộ xương tê giac Java bị tuyệt chủng ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh WWF).
Bộ xương tê giac Java bị tuyệt chủng ở Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh WWF).
Theo ông Tùng (phụ trách nhóm phục dựng), do đây là động vật mới, chưa có mẫu vật nào cho nên nhóm sẽ dựa vào mẫu thú móng guốc ăn cỏ, tê giác châu Phi và những bộ phận còn lại để tái tạo bộ xương. Phần do đã chết, lại bị vùi lấp trong bùn đất nên màu sắc không còn đẹp, đặc biệt một số bộ phận đã bị phân hủy hoặc mất như: 3 xương sườn hông, 2 đốt xương cổ, răng…Nhóm khoa học sẽ xử lý hóa chất, tiến hành đo đạc kỹ lưỡng, sau đó dùng vật liệu composite để đổ khuôn tái tạo những chi tiết không còn. Tiếp theo là dùng các vật liệu như inox, keo, vít, kẽm…sắp xếp thành khung xương hoàn chỉnh.

Ông Tùng cũng ước đoán bộ xương con tê giác này có khoảng 26-28 xương sườn (13-14 cặp), chiều dài tê giác khoảng 1,8 m; cao khoảng 1,5 m, còn vòng bụng khi lên khung mới tính toán được. Riêng phần sừng (khoảng 10 cm) do không nằm trên xương mũi mà nằm ở da, nếu Vườn yêu cầu tái tạo, nhóm ông Tùng sẽ làm sừng giả (do đã bị mất) bằng khối u lồi lên.

Khó nhất là mặt thẩm mỹ, nhưng rất may là con tê giác còn khoảng hơn 90% xương nên việc tái tạo bộ xương sẽ đạt độ chính xác cao, chỉ sai lệch 1-2%. Nếu xử lý tốt, môi trường bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn (đặt trong tủ chân không) thì bộ xương có tuổi thọ 60-70 năm hoặc lâu hơn, ông Tùng nhận định.

Theo hợp đồng, tổng kinh phí tái tạo bộ xương tê giác là 144 triệu đồng; mục đích chính là nhằm để bảo tàng chứ không phải làm theo giá thương mại. Lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Tiên cho rằng, bộ xương phục dựng được trưng bày tại Vườn như một lời cảnh tỉnh đến mọi người, nhất là khách đến tham quan Vườn, cần nâng cao ý thức bảo vệ động vật quý hiếm.

Sau khi  Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn tê giác quốc tế (IRF) công bố tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng tại Việt Nam (cụ thể là Vườn quốc gia Cát Tiên), Vườn này đang bàn bạc tìm loài động vật đặc trưng của Vườn để thay hình tê giác trong logo.

MINH ĐẠO