Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: An toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Việt Nam (VN).
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai được chính thức diễn ra ngày 26/3 - tại Seoul Hàn Quốc với sự tham dự của 58 nhà lãnh đạo cao cấp đến từ 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế. Tại buổi họp báo được tổ chức hôm 23/3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: An toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Việt Nam (VN).
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nhìn từ bên ngoài. |
Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi nhiên liệu uranium độ giàu cao (HEU) sang nhiên liệu uranium độ giàu thấp (LEU) vừa được tiến hành tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hồi trung tuần tháng 3 này là nỗ lực đáng kể của VN trong việc góp phần cùng với thế giới đảm bảo an toàn hạt nhân trong phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Theo PGS-TS Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, vào tháng 11/2011, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã tạm ngừng hoạt động để tiếp tục tiến hành việc thay thế các thanh nhiên liệu. Và, trung tuần tháng 3 vừa qua, công việc đã hoàn tất và lò đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Theo các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, không phải đến bây giờ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt mới chuyển sang sử dụng các thanh nhiên liệu có độ giàu thấp thay cho các thanh nhiên liệu có độ giàu cao mà ngay từ năm 2007, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã chính thức chuyển sang dùng nhiên liệu uranium “giàu thấp”. Từ khi tiếp quản và đưa vào vận hành trở lại - 1983 (trước đó, từ 1963 đến 1975, lò do Mỹ xây dựng và vận hành) - đến năm 2007, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tuy có nhiều lần thay đổi thanh nhiên liệu uranium nhưng tất cả đều là loại nhiên liệu thuộc thế hệ cũ của Liên Xô có cùng một độ giàu là uranium có độ giàu cao - HEU (High-enriched uranium), chứa hàm lượng U235 là 36%. Đến tháng 3.2007, Viện Năng lượng nguyên tử VN (VAEC) đã ký một văn bản thỏa thuận với Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ về việc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu ở mức cao (36% - HEU) sang nhiên liệu uranium làm giàu ở mức thấp (dưới 20% - LEU). Về lý thuyết, các nhiên liệu sử dụng trong lò phản ứng hạt nhân có độ giàu cao (HEU) thì có nguy cơ cao hơn trong việc khai thác để chế biến thành nhiên liệu trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Chính vì sự quan ngại này mà ngay những năm 80 của thế kỷ trước, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp quốc, một dự án liên quan đến độ giàu nhiên liệu uranium đã ra đời: Dự án đề xuất việc giảm độ giàu nhiên liệu uranium trong các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân trên thế giới xuống hàm lượng dưới 20%. Trong khuôn khổ hợp tác của NNSA và VAEC, công việc thay thế thanh nhiên liệu từ “HEU” chuyển sang “LEU” tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được thực hiện; và đến ngày 30.11.2011, sự kiện khởi động lại lò được xem là mốc quan trọng thứ ba trong vận hành của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (lần thứ nhất là năm 1963 được xây dựng và chính thức đưa vào vận hành, lần thứ hai vào năm 1983 sau khi nâng cấp).
Trong buổi họp báo mới đây, đại diện Bộ Ngoại giao VN cho biết là tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai (26 - 27/3), VN sẽ nêu bật những nỗ lực và biện pháp trong phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trong thời gian qua; đồng thời còn nêu quyết tâm của VN cùng với các quốc gia trên thế giới trong việc đề ra những biện pháp nhằm củng cố hòa bình, hợp tác và ổn định trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới.
Khắc Dũng