Nếu năm 1995 trên địa bàn Lâm Đồng chỉ có khoảng 10 box cấy, chủ yếu nhân cấy mô và địa lan, thì tới năm 2011 con số này đã lên tới 58 cơ sở cấy mô với khoảng 250 box cấy và trên 500 cán bộ kỹ thuật...
Cùng với nhà lưới, nhà kính, nhân cấy mô thực vật hiện đang được nhà vườn Đà Lạt và các địa phương lân cận áp dụng để sản xuất các loại cây giống chất lượng cao trong chương trình Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Theo các nhà chuyên môn, kỹ thuật cấy mô cho phép nông dân sản xuất được khối lượng cây giống lớn, có chất lượng đồng đều và không mang mầm bệnh phù hợp với việc sản xuất rau, hoa xuất khẩu có đơn hàng lớn.
Nếu năm 1995 trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có khoảng 10 box cấy (dụng cụ cấy mô) chủ yếu nhân cấy mô và địa lan, thì tới năm 2011 con số này đã lên tới 58 cơ sở cấy mô với khoảng 250 box cấy. Toàn tỉnh đã có trên 500 cán bộ kỹ thuật, trong đó 149 người có trình độ đại học và trên đại học hoạt động tại các cơ sở sản xuất giống rau, hoa, khoai tây… bằng công nghệ nhân cấy mô.
Nhân cấy mô hiện đang được áp dụng để sản xuất các loại cây giống chất lượng cao trong Chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh. N.MINH |
Đáng mừng là ngoài 13 cơ sở nuôi cấy mô của các cơ quan nhà nước và nhà trường, đã có 35 cơ sở nuôi cấy mô thuộc về các thành phần kinh tế tư nhân, và có cơ sở như Công ty Công nghệ sinh học Rừng Hoa đã đầu tư tới 52 box, Công ty Bonnie Fam có tới 48 box. Các cơ sở nuôi cấy mô này, bình quân mỗi năm đã nhân cấy được từ 25 tới 30 triệu mô cây giống chất lượng cao và sạch bệnh, cung ứng cho 200 cơ sở gieo ươm sản xuất 1,5 tới 2 tỷ cây giống, thỏa mãn nhu cầu cây giống để phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ của địa phương mà còn cung ứng cho các tỉnh lân cận.
Áp dụng công nghệ nhân cấy mô, riêng Đà Lạt đã có thêm 2 giống khoai tây, 8 giống bắp cải, 7 giống cải thảo, 4 giống súp lơ và 30 chủng loại hoa mới được đưa vào cơ cấu sản xuất với năng suất và chất lượng cao hơn hẳn các giống đã có tại địa bàn. Thu nhập của nông dân đang sản xuất rau, hoa theo NNCNC vì vậy cũng đã tăng nhiều lần, bình quân lên tới 400-500 triệu đồng/ha/năm, chè từ 200-250 triệu đồng/ha/năm…
Có thể khẳng định, công nghệ nhân cấy mô là điểm mạnh nhất của tỉnh trong thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua; và từ triển khai công nghệ nhân cấy mô thành công, Lâm Đồng đã có 2 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đầu tiên của cả nước là Công ty Công nghệ sinh học Rừng Hoa và Công ty TNHH Agrivina.
Qua khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh, thì hiện nay hầu hết các cơ sở nuôi cấy mô thực vật trên địa bàn là của tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như cơ sở Hùng Tâm, Công ty Bonie Farm… Các cơ sở nuôi cấy mô do các đơn vị thuộc khu vực nhà nước (các đơn vị nghiên cứu KHKT, doanh nghiệp nhà nước…) đầu tư và quản lý còn rất ít và quy mô nhỏ (13 đơn vị khu vực nhà nước hiện có khoảng 67 box, trong khi đó Trung tâm ứng dụng KTNN Lâm Đồng nhiều nhất cũng chỉ mới là 15 box, Phân viện Sinh học Đà Lạt 10 box…).
Thực trạng này đang dẫn tới một thực tế là các cơ quan quản lý về nông nghiệp và khoa học công nghệ của tỉnh chỉ mới có thể quản lý được các cơ sở nuôi cấy mô của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước, mà chưa thể quản lý tốt được số lượng, chất lượng và chủng loại cây giống do các cơ sở nuôi cấy mô thuộc các khu vực khác sản xuất. Và cũng chính thực trạng này đã gây không ít khó khăn cho việc quản lý và phòng trừ dịch hại trên cây trồng, nhất là với các loại bệnh do vi rút, vi khuẩn gây nên như bệnh sưng rễ trên cây rau họ thập tự, bệnh xoăn lá trên cây họ cà...
Hiện tại, do cơ sở hạ tầng còn rất tạm bợ, chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật mang tính khoa học, công nghệ và hiện đại cao, nên các cơ sở nuôi cấy mô, sản xuất cây giống bằng công nghệ nuôi cấy mô trên địa bàn chỉ mới dừng lại ở khâu nhân cấy mô đơn thuần, mà chưa thể đi sâu vào các khâu công nghệ gen và cũng chưa thể khẳng định được cây giống sản xuất ra có còn mang mầm bệnh (nhất là bệnh do vi rút) hay không.
Thực hiện Pháp lệnh Quản lý giống cây trồng, ngành NN-PTNT tỉnh đã triển khai việc thống kê lại các cơ sở cấy mô trên địa bàn để có hướng quản lý và hỗ trợ phát triển.
Đức Hưng