(LĐ online) - Đó là chủ đề của hội thảo vừa diễn ra tại TP Đà Lạt vào sáng 4/4, do UBND TP Đà Lạt phối hợp với Sở KH&CN, Sở TN&MT và Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức với sự tham dự của Tiến sỹ Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện lãnh đạo TP Đà Lạt, các sở ngành cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước.
Một góc thắng cảnh Hồ Xuân Hương Đà Lạt. |
(LĐ online) - Đó là chủ đề của hội thảo vừa diễn ra tại TP Đà Lạt vào sáng 4/4, do UBND TP Đà Lạtphối hợp với Sở KH&CN, Sở TN&MT và Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức với sự tham dự của các sở ngành cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước.
Hiện tượng tảo nở hoa
Hồ Xuân Hương là thắng cảnh cấp Quốc gia, được người dân phố núi ví như “trái tim” của đô thị Đà Lạt. Đây còn là một trong những địa danh khá nổi tiếng, được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích chọn làm điểm đến tham quan trong các kỳ nghỉ dưỡng tại Đà Lạt.
Nhưng từ năm 2004 đến nay, thắng cảnh Hồ Xuân Hương đã xuất hiện tình trạng tảo lam bùng phát, hay còn gọi là hiện tượng “tảo nở hoa – blooming” ngày càng nhiều. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, mỹ quan mà còn gây ảnh hưởng đến du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt - Lâm Đồng, nhất là vào thời điểm mùa khô hàng năm (từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 3 năm sau).
Các nhà khoa học phân tích nguyên tảo bùng phát |
Theo báo cáo tại hội thảo, nguồn gây ô nhiễm cho Hồ Xuân Hương thì nhiều, nhưng trực tiếp chủ yếu từ các nguồn nước mang chất thải sinh hoạt của các khu dân cư, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, sân golf…, trong cùng lưu vực rộng 2.800ha. Trong đó, phần lớn nước thải sinh hoạt đổ về Hồ Xuân Hương đều chưa qua xử lý hoặc mới chỉ xử lý sơ bộ qua hầm tự hoại nên hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng cao. Chất thải rắn sinh hoạt ở các khu dân cư trong lưu vực chưa được quản lý tốt, nhiều điểm đổ rác gần mương suối hình thành từ phát cũng là tác nhân gây ảnh hưởng cho Hồ Xuân Hương. Các loại phế phẩm nông nghiệp từ các phường 8, 9, 10, 11 bị người dân vứt thẳng xuống mương suối gây cản trở lòng chảy; ô nhiễm dinh dưỡng dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ hoạt động tưới cỏ của sân golf Đồi Cù…, cũng là các nguồn gây nên ô nhiễm cho Hồ Xuân Hương.
Vượt tầm của địa phương
Trước thực trạng trên, trong những năm qua, chính quyền TP Đà Lạt và các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, tuy nhiên tất cả cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, chính quyền thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác diệt tảo như “lọc nước” cho hồ Đội Có (một trong 4 hồ lắng cấp nước trực tiếp cho Hồ Xuân Hương). Hỗ trợ di dời các nhà máy bia rượu ra khỏi lưu vực; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho đô thị Đà Lạt, và cả việc đầu tư nạo vét cho thắng cảnh Hồ Xuân Hương cũng như các hồ lắng cấp nước cho hồ…, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, tảo lam vẫn tiếp tục bùng phát mạnh, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của địa phương.
Vào các đợt cao điểm hàng năm, tảo lam nở hoa và chết nhiều gây ô nhiễm trên bề mặt hồ, chính quyền thành phố Đà Lạt lại chỉ đạo cho các cơ quan chức năng dùng lưới vây gom tảo, sau đó dùng xe bồn hút tảo mang đi đổ…, chứ chưa giải pháp căn cơ giải quyết dứt điểm ô nhiễm cho “trái tim” của Đà Lạt.
Cần có giải pháp đồng bộ
Để giải quyết căn cơ nạn tảo lam cho thắng cảnh Hồ Xuân Hương, hội thảo lần này đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm cho “trái tim” của đô thị Đà Lạt. Trong đó, có nhiều phương pháp diệt tảo mới được giới thiệu như phương pháp oxy hóa kết hợp với các phương pháp sinh học; giải pháp thủy sinh, và kể cả ứng dụng công nghệ sóng siêu âm kết hợp trồng thực vật nổi để giải quyết nạn tảo nở hoa…
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về môi trường ở Đà Lạt thì những giải pháp này phải triển khai một cách đồng bộ với việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hợp lý trong lưu vực Hồ Xuân Hương. Đặc biệt là hạn chế các nguồn chất thải nông nghiệp, công nghiệp…, ở khu vực thượng lưu hồ, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân./.
Thụy Trang