Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện và công bố một số loài động và thực vật mới ở VQG Bidoup Núi Bà khiến cho không chỉ dư luận trong nước mà cả nước ngoài đặc biệt quan tâm.
Nằm trong vùng khí hậu Á nhiệt đới, hệ sinh thái rừng thuộc Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà của tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là khu vực có sự đa dạng sinh học nhất nhì của Việt Nam. Ông Lê Văn Hương - GĐ VQG Bidoup Núi Bà cho biết: “Với địa hình chia cắt mạnh bởi những dãy núi cao như Bidoup (2.287m), Langbiang (2.167m), Hòn Giao (2.060m)…, VQG Bidoup Núi Bà là một trong những “mẫu chuẩn” của Việt Nam và thế giới về sự đa dạng sinh học”.
Một số loài thực vật và động vật mới phát hiện tại VQG Bidoup Núi Bà (ảnh do VQG Bidoup Núi Bà cung cấp) |
Để chứng minh điều đó, ông Hương cho biết cụ thể: Tại VQG Bidoup Núi Bà, trong gần 1.470 loài thực vật (161 họ, 673 chi) đã thống kê được, có đến 91 loài đặc hữu và 62 loài quý hiếm. Về động vật, cũng tại VQG Bidoup Núi Bà, chỉ trong 208 loài của 4 lớp (thú, chim, bò sát và ếch nhái) đã có 17 loài chim đặc hữu; về thú có các loài tiêu biểu của Nam Trường Sơn như bò tót, voi, mang lớn…
Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện và công bố một số loài động và thực vật mới ở VQG Bidoup Núi Bà khiến cho không chỉ dư luận trong nước mà cả nước ngoài đặc biệt quan tâm.
Cách nay khoảng hơn một năm, các nhà khoa học Australia, Hoa Kỳ và Việt Nam đã công bố trên tạp chí Động vật học Zootaxa một loài thú mới được phát hiện tại VQG Bidoup Núi Bà có tên là “ếch cây ma cà rồng”. GĐ VQG Bidoup Núi Bà Lê Văn Hương giải thích thêm: “Loài ếch này có tên khoa học là Rhacophorus vampyrus. Loài “ếch cây ma cà rồng” mới phát hiện ở VQG Bidoup Núi Bà được phân biệt với các loài khác trong cùng giống bởi đặc điểm lưng chúng có màu nâu nhạt đến đỏ gạch; họng, ngực và bụng có màu trắng; hai bên sườn, trước và sau đùi có màu đen; giữa các ngón chi trước và chi sau có màng da màu xám đến đen. Đây là loài ếch cây thứ 17 thuộc giống Rhocophorus được phát hiện, sau 16 loài đã được phát hiện ở Việt Nam”. Gần đây hơn, khoảng đầu 2011, các nhà khoa học cũng đã phát hiện tại VQG Bidoup Núi Bà một loài sinh vật mới có tên là “cóc mày mắt trắng”. Cóc mày mắt trắng ở VQG Bidoup Núi Bà có tên khoa học là Leptobrachium leucops. Chúng được phát hiện ở vùng rừng thuộc cao nguyên Langbiang, nằm trong ranh giới giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa. Về thực vật, gần đây nhất, hai nhà khoa học của Việt Nam và Trung Quốc là TS Vũ Quang Nam và TS Nian He Xia đã phát hiện và công bố trên một tạp chí chuyên ngành của Phần Lan một loài mới ở VQG Bidoup Núi Bà có tên là “dạ hợp Bidoup”. “Nơi được tìm thấy loài thực vật mới này là đỉnh Hòn Giao, trong một khu rừng lá rộng thường xanh ở độ cao gần 2.000m; chúng mọc hỗn giao với một số loài khác. Dạ hợp Bidoup là loài mới thứ hai thuộc họ “ngọc lan” được phát hiện và công bố ở Việt Nam trong năm 2011” - ông Lê Văn Hương nói thêm.
Cũng nói về vấn đề đa dạng sinh học, ông Lê Văn Hương còn cho biết: “VQG Bidoup Núi Bà là một trong 28 VQG nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Khu vực Bidoup Núi Bà thuộc địa giới hành chính huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; chiếm gần trọn cao nguyên Langbiang (còn gọi là cao nguyên Lâm Viên). Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam (khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn ở phía Bắc, khu vực núi cao Ngọc Linh ở miền Trung, khu vực rừng mưa ở Bắc Trung Bộ và cao nguyên Lâm Viên ở phía Nam). Trong chương trình bảo tồn hệ sinh thái dãy Trường Sơn, khu vực Bidoup Núi Bà được xác định nằm trong khối núi chính thuộc Nam Trường Sơn và là khu vực ưu tiên số một trong công tác bảo tồn (khu vực SA3)”.
KHẮC DŨNG