(LĐ online) - Ở Lâm Đồng, những năm qua biến đổi khí hậu đã biểu hiện ở 3 yếu tố: nhiệt độ, lượng mưa và dòng chảy. Sự biến đổi đã làm cho nhiệt độ tăng lên, mùa khô kéo dài…
(LĐ online) - Ngày 10/5/2012, trường Đại học Đà Lạt đã phối hợp với chương trình UN – REDD Việt Nam, Trung tâm vì con người và rừng (RECOFTC), Chương trình phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức diễn đàn “Biến đổi khí hậu – REDD+: Cơ hội và thách thức”. Hơn 60 đại biểu là các nhà chuyên môn, các nhà khoa học đến từ các cơ quan Khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, nông lâm nghiệp, sinh học và 2 cơ sở đào tạo các ngành này này là trường Đại học Đà Lạt và đại học Yersin đã tham gia diễn đàn.
Phổ biến cách trồng, quản lý bảo vệ rừng cho bà con dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu |
Có thể nói, biến đổi khí hậu không còn là cảnh báo mà đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của toàn nhân loại, mà Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ nhất. Ở Lâm Đồng, những năm qua biến đổi khí hậu đã biểu hiện ở 3 yếu tố: nhiệt độ, lượng mưa và dòng chảy. Sự biến đổi đã làm cho nhiệt độ tăng lên, mùa khô kéo dài, thời gian kiệt nước tăng, gây hạn hán, lượng nước bốc hơi tăng, độ ẩm giảm; dòng chảy lũ tăng không đáng kể vào mùa khô, nhưng giảm mạnh vào mùa khô và kéo dài. Điều đó đã gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ, suy giảm đa dạng sinh học và nguy cơ cháy rừng cao.
Tại hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu sáng kiến REDD+, việc triển khai REDD+ tại Việt Nam và Lâm Đồng, một số hoạt động REDD+ mà Trường Đại học Đà Lạt đã tham gia; đồng thời nêu ý kiến và thảo luận về biến đổi khí hậu, việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào chương trình đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học về biến đổi khí hậu và thực thi REDD+ tại Việt Nam.
REDD+ là một chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (gọi tắt là REDD). Khi nghĩ đến biến đổi khí hậu người ta thường nghĩ đến băng tan và mực nước biển dâng, nhưng tác động của biến đổi khí hậu là rừng, rừng vừa góp phần gây ra biến đổi khí hậu vừa là nạn nhân của các tác động biến đổi khí hậu. Ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng có thể làm giảm gần 20% lượng phát thải khí CO2 toàn cầu và làm tăng chất lượng cuộc sống và sinh kế của người dân bản địa sống phụ thuộc vào rừng. REDD là chương trình đưa rừng vào công cuộc ứng phó hữu hiệu nhất với biến đổi khí hậu. Bằng cách sẽ đo đếm, giám sát lượng phát thải CO2 từ mất rừng (rừng bị khai thác trắng để chuyển đổi đất sang mục đích sử dụng khác) và suy thoái rừng (tài nguyên rừng bị tổn hại) trong phạm vi biên giới nước mình. Sau một thời gian nhất định, các nước sẽ tính toán lượng giảm phát thải CO2 và nhận được số lượng tín chỉ carbon rừng có thể trao đổi trên thị trường từ sự giảm thiểu này. Các tín chỉ đó có thể được đem bán trên thị trường carbon toàn cầu. REDD sẽ cung cấp tài chính để tránh mất rừng và suy thoái rừng, REDD cũng tạo ra động lực cho việc quản lý rừng bền vững và bình đẳng đối với người dân nghèo sinh sống quanh các vùng có rừng.
Việt Nam là quốc gia tham gia UN-REDD đầu tiên và thực hiện quy trình tham vấn cộng đồng tại 78 thôn thuộc 2 huyện Lâm Hà và Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng – địa phương đã thực hiện thành công việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Quá trình tham vấn đã được người dân hiểu và đồng tình ủng hộ.
Thực thi REDD+ là cách tốt nhất vừa nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu trong cộng đồng, cùng chung tay đẩy lùi biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi hành động và cách ứng xử của mỗi người với môi trường, với rừng và với thiên nhiên; trong đó hành động cụ thể nhất của người dân Lâm Đồng là giữ rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng và phục hồi rừng.
Quỳnh Uyển