Đồng hành cùng REDD+ để bảo vệ cuộc sống

02:05, 29/05/2012

(LĐ online) - Những năm trước, vào mùa khô, lượng nước giảm chưa tới 20%, nhưng gần đây, lượng nước kiệt tăng lên 22-23%. Trong các dòng sông chảy qua địa phận Lâm Đồng thì sông Đồng Nai kiệt nước nhiều hơn vào mùa khô, nhưng lại lũ nhiều hơn vào mùa mưa.

(LĐ online) - Sức khoẻ của các dòng sông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thay đổi hoàn toàn, do nhiệt độ tăng, lượng bốc hơi tăng, dòng chảy đến thay đổi... Những năm trước, vào mùa khô, lượng nước giảm chưa tới 20%, nhưng gần đây, lượng nước kiệt tăng lên 22-23%. Trong các dòng sông chảy qua địa phận Lâm Đồng thì sông Đồng Nai kiệt nước nhiều hơn vào mùa khô, nhưng lại lũ nhiều hơn vào mùa mưa.

Tham gia REDD+ để tái tạo rừng, lưu giữ nguồn nước và bảo vệ cuộc sống của chúng ta
Tham gia REDD+ để tái tạo rừng, lưu giữ nguồn nước và bảo vệ cuộc sống của chúng ta


Đó là thông tin về một trong những hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) mà ông Lương Văn Ngự (Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường) mang đến diễn đàn  “Biến đổi khí hậu - REDD+: Cơ hội và Thách thức” do  trường Đại học Đà Lạt tổ chức cùng các đại diện của Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng của Liên hợp quốc tại Việt Nam” (UN-REDD Việt Nam), Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFTC) và Chương trình phát triển của Hà Lan (SNV); có sự tham dự của  Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng.
 

REDD – (Reducing Emissions from Deforestation and Degradation  in Developing countries) là “Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG) do mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển”. REDD+ là REDD cộng với vai trò của QLRBV, bảo tồn – tăng đa dạng sinh học và nâng cao trữ lượng carbon của rừng. Chương trình UN-REDD là chương trình nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, kinh phí 4,38 triệu USD do chính phủ Na Uy tài trợ.

Lâm Đồng, Việt Nam và cả thế giới đã và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng BĐKH, nên tham gia REDD+ để nhận được các lợi ích về môi trường và kinh tế xã hội ở cấp quốc gia (PES – chi trả dịch vụ môi trường) và quốc tế (REDD), được hỗ trợ về mọi mặt để đối phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu... Việc tham gia REDD+ là cần thiết và cấp bách để chống biến đổi khí hậu, mà điển hình là tình trạng suy thoái rừng, mất rừng ở Việt Nam, nhằm lưu giữ nguồn nước, tạo thêm và duy trì độ phì của đất, giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai; hấp thụ CO2 và giải phóng O2 – đó chính là cách để bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Tham gia REDD+ là góp phần giảm phát thải GHG, ứng phó với  BĐKH trên phạm vi cấp khu vực và toàn cầu; đồng thời góp phần quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và duy trì dịch vụ môi trường, cải thiện sinh kế của người dân, đặc biệt là cộng đồng người địa phương sống chủ yếu dựa vào rừng. Các đại biểu mang đến diễn đàn nhiều thông điệp về BĐKH, về REDD+ và những hành động của chúng ta nhằm tái tạo một môi trường sống trong lành bền vững.

TS. Lâm Ngọc Tuấn (Trưởng khoa Môi trường - ĐH Đà Lạt) đưa ra những dẫn chứng về BĐKH, như nhiệt độ tăng 0,7oC trong vòng 100 năm, băng tan, nước biển dâng, nồng độ CO2 trong khí quyển tăng 28% kể từ năm 1975 đến nay... Nguyên nhân chính là do hoạt động sống của con người, như phá rừng, tăng khí thải CO2 từ các nhà máy, công trường... đã tác động toàn diện đến đời sống con người và thiên nhiên, thấy rõ nhất là tình trạng mất rừng, đất chìm trong nước biển, bão lũ, xói lở đất, bệnh tật... Giải pháp chủ yếu là phải tái tạo rừng; sử dụng rừng và cây xanh để đối phó với những tác động của BĐKH; rừng cũng hấp thụ và lưu trữ carbon làm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính...

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, đại diện REDD+ tại Lâm Đồng), cho biết: REDD+ có 3 pha: Pha 1 - Chuẩn bị (xây dựng năng lực, thể chế); Pha 2 - Thí điểm đầu tư, mở rộng; Pha 3 - Thực hiện đầy đủ các hoạt động. Lâm Đồng đang ở giai đoạn 1 là tăng cường năng lực cho các cơ quan trung ương, địa phương và cá nhân. Việt Nam là 1 trong 9 nước tham gia UN-REDD và Lâm Đồng là địa phương được làm thí điểm với các chương trình: cải thiện được đời sống của những người trực tiếp tham gia nghề rừng và sống trong rừng tại 20 xã của 2 huyện Di Linh và Lâm Hà; REDD của người nghèo tại Cát Tiên: giảm thiểu nạn phá rừng và mất rừng (4 xã thí điểm); và “Mô hình không gian về REDD” tại lưu vực hồ thuỷ điện Đa Nhim, trên diện tích 3.167ha.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – đại diện UN-REDD Việt Nam (Tổng cục Lâm Nghiệp – Bộ NN-PTNT khuyến nghị: Mục đích của REDD+ ở Việt Nam là hỗ trợ QLRBV, tăng cường năng lực quản lý và hệ thống chính sách và góp phần phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các chương trình, dự án, chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2013, REDD+ pha 2 sẽ được triển khai tại 6 tỉnh trong đó có Lâm Đồng. Muốn triển khai nhanh, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cần có sự chuẩn bị kỹ trước một bước về kế hoạch, con người, phương thức... để có thể bắt tay ngay vào quá trình thực thi REDD+.

Nguyễn Mộng Sinh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng) khẳng định: Tây Nguyên là mái nhà Đông Dương, Lâm Đồng chính là một phần mái của cái nhà đó. Việc bảo vệ rừng không chỉ có ý nghĩa với Lâm Đồng mà còn có ý nghĩa với các tỉnh xung quanh. Để triển khai các vấn đề này thì việc thu hút cộng đồng rất quan trọng, việc huy động thực hiện REDD+ không chỉ là các ngành chức năng liên quan như ngành NN-PTNT, TN-MT, KH-CN; mà còn cần sự tham gia của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội khác như GD-ĐT, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội LHKH... đặc biệt là sự tham gia của chính quyền.

Lê Hoa