Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hàng năm cấp cứu trên 300 trường hợp bệnh nhân tự độc, hoặc ngộ độc qua đường tiêu hóa với phổ biến là các thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và một số thuốc tân dược… nên phải tiến hành súc rửa dạ dày.
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hàng năm cấp cứu trên 300 trường hợp bệnh nhân tự độc, hoặc ngộ độc qua đường tiêu hóa với phổ biến là các thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và một số thuốc tân dược… nên phải tiến hành súc rửa dạ dày.
Súc rửa dạ dày theo phương pháp của BS Điền - Hệ thống kín được thực hiện cho cả ngàn ca bệnh tại BVĐK Lâm Đồng. |
Các bệnh viện gặp khó
Trong các trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa, ngoài việc gây nôn cho bệnh nhân ở nhà thì lúc vào cấp cứu bệnh viện súc rửa dạ dày là một trong các biện pháp nhằm hạn chế hấp thu, loại bỏ độc chất qua đường tiêu hóa trong cấp cứu ngộ độc đường uống. Nếu được thực hiện sớm, đúng kỹ thuật thì đây là phương pháp rất hiệu quả để hạn chế hấp thu độc chất. Súc rửa dạ dày trong vòng một giờ sau khi uống có thể loại bỏ được tới 80% lượng độc chất uống vào. Nếu rửa muộn hơn sẽ kém hiệu quả, loại bỏ được ít độc chất. Tuy nhiên, vẫn có thể giảm nhẹ mức độ ngộ độc xuống dưới liều tử vong, hoặc chí ít cũng giảm nhẹ mức độ ngộ độc. Ngoài ra, rửa dạ dày còn giúp lấy dịch để xét nghiệm độc chất giúp cho chẩn đoán nguyên nhân.
Rửa dạ dày thường được kết hợp với các biện pháp như: cho than hoạt sau khi rửa dạ dày để làm giảm hấp thu độc chất trong lòng ống tiêu hóa, sau đó dùng thuốc nhuận trường để nhanh chóng đưa độc chất ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, súc rửa dạ dày không đúng chỉ định, sai kỹ thuật có thể dẫn tới các biến chứng với những hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong.
Trước đây, những trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa được xử trí loại bỏ chất độc bằng biện pháp kỹ thuật súc rửa dạ dày mở với phương pháp kinh điển: Đặt ống thông Fauchet vào dạ dày, ống thông có phễu để cho nước vào dạ dày số lượng 500 ml nước, sau đó hạ ống thông xuống thấp cho nước ra trở lại qua ống thông vào một thau đựng, thao tác này lập lại nhiều lần cho đến khi dịch dạ dày trong không còn mùi thuốc. Súc rửa dạ dày theo cách này có những nhược điểm: Thực hiện mất nhiều nhân viên (tối thiểu có 2 người để súc dạ dày), mất nhiều thời gian, khó kiểm soát lượng nước đưa vào mỗi lần nếu quá nhiều bệnh nhân dễ nôn dẫn đến sặc hít vào phổi; chất thải có độc từ bệnh nhân ra ngoài có thể gây nhiễm độc qua da và đường hô hấp cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
Trong 10 năm trở lại đây, để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho nhân viên y tế khi thực hiện súc rửa dạ dày, Y học đã đề xuất hệ thống kín súc rửa dạ dày, nhưng cho đến hiện nay chưa có một thiết bị dụng cụ súc rửa dạ dày nào hoàn chỉnh và hiện đại. Tại Việt Nam, ngay cả các bệnh viện lớn vẫn chưa trang bị được hệ thống kín súc rửa dạ dày hiện đại. Trên thị trường có giới thiệu các thiết bị để súc rửa dạ dày chủ yếu có các sản phẩm máy súc rửa dạ dày của Trung Quốc, các thiết bị này ít được sử dụng tại Việt Nam với lý do không phải một hệ thống kín để súc rửa dạ dày đầy đủ, không hơn 1 thiết bị máy hút đàm giải, dịch dạ dày đang sử dụng tại các bệnh viện.
Giải Ba cho giải pháp của “Bác sỹ Điền”
Xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu thực tế tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, hàng năm có nhiều trường hợp ngộ độc vào cấp cứu phải sử dụng kỹ thuật súc rửa dạ dày theo lối kinh điển, dựa trên kinh nghiệm các trường hợp bị tai biến của các tuyến trước (các trạm y tế, các bệnh viện huyện trong tỉnh mỗi năm có trên 10 trường hợp súc rửa dạ dày có biến chứng), dựa trên nguyên tắc hệ thống kín và mô hình mẫu túi nylon súc rửa dạ dày của Bệnh viện Bạch Mai, BS Phan Văn Điền - Trưởng Khoa khám bệnh, cấp cứu BVĐK Lâm Đồng đã nghiên cứu tự chế 1 hệ thống súc rửa dạ dày kín thực hiện từ tháng 2 năm 2007 với các đặc điểm: Làm bằng các vật liệu dễ tìm, có bán trên thị trường (bình nhựa, dây ống nước, van, bình nước nóng lạnh, máy hút); giá thành thấp (tổng chi phí cả hệ thống 5 - 6 triệu đồng); bền (dùng trên 5 năm); dễ sử dụng.
Mục đích cải tiến lại kỹ thuật súc rửa dạ dày mở kinh điển trước đây và áp dụng theo phương pháp hệ thống súc rửa dạ dày - ruột kín. Hệ thống súc rửa dạ dày kín có nhiều ưu điểm: Dễ sử dụng chỉ cần 1 nhân viên y tế có thể tiến hành thủ thuật súc rửa dạ dày cho bệnh nhân; kiểm soát được nhiệt độ nước đưa vào; điều tiết số lượng nước đưa vào dạ dày giảm thiểu tình trạng nôn của bệnh nhân nên ít có nguy cơ viêm phổi hít; dịch thải có độc được thải qua hệ thống ống kín và đưa vào hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện; có thể pha được nồng độ NaCl 9%o vào nước đưa vào dạ dày ruột tránh ngộ độc nước khi súc rửa với lượng nước nhiều và các chất khác cần đưa vào dạ dày để hạn chế hấp thu độc chất vào máu; an toàn cho người bệnh, bảo vệ nhân viên y tế và khắc phục được các nhược điểm của các phương pháp trên.
Bệnh viện Lâm Đồng đã thực hiện 1.398 trường hợp súc rửa dạ dày kín và không bị tai biến như viêm phổi do hít (dịch từ dạ dày vào phổi), ngộ độc nước hoặc rối loạn nước, điện giải, hạ thân nhiệt… Hệ thống này đã được nhân rộng, lắp đặt tại Bệnh viện huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Các phòng cấp cứu, khoa hồi sức tích cực các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các trạm y tế xã, phường đều có thể dễ dàng áp dụng mô hình này. Giá thu viện phí súc rửa dạ dày hệ thống kín: 450.000 đồng/ca (theo quy định thu viện phí Bộ Y tế).
Lần đầu tiên y tế Lâm Đồng có giải pháp sáng tạo đoạt giải cấp quốc gia Ngày 6/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ KH&CN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI (2010-2011). Hơn 500 nhà khoa học và những người say mê sáng tạo kỹ thuật đã tham dự. Theo Ban tổ chức, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 đã có hàng nghìn giải pháp được gửi đến hội thi cấp cơ sở, cấp tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Ban Tổ chức các địa phương và các bộ, ngành đã chọn ra được 513 giải pháp gửi Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Các giải pháp dự thi thuộc 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (82 giải pháp); Cơ khí tự động hóa, xây dựng giao thông vận tải (124 giải pháp); Vật liệu, hóa chất, năng lượng (59 giải pháp); Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường (81 giải pháp); Y, dược (51 giải pháp); Giáo dục và đào tạo và các lĩnh vực khác (116 giải pháp). Ban tổ chức hội thi đã trao giải thưởng cho 82 giải pháp, bao gồm: 4 giải nhất, 11 giải nhì; 24 giải ba; 43 giải khuyến khích. Công trình “Áp dụng hệ thống kín súc rửa dạ dày” của BS Phan Văn Điền (BVĐK Lâm Đồng) đoạt giải Ba. Điều nổi bật nhất của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI là các giải pháp đoạt giải thuộc 6 lĩnh vực nói trên đều được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. |
DIỆU HIỀN