Là nấm Hoàng bạch và nấm César đại đế …
Đầu tháng 5/2012, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên chính thức công bố thông tin vừa phát hiện hai loài nấm quý hiếm tại Vườn là nấm Hoàng bạch và nấm César đại đế (nấm trứng gà). “Điều thú vị, theo các tài liệu khoa học, thì hai loài nấm này hầu như không được phổ biến ở Việt Nam, nhất là phía nam, nhưng ở Cát Tiên từ trước đến nay, người dân trong vùng vẫn thường xuyên cứ đến mùa là vào rừng lấy về làm thực phẩm một cách rất bình thường” - lãnh đạo VQG Cát Tiên phát biểu.
Nấm hoàng bạch trong tự nhiên và hoàng bạch nuôi trồng tại VQG Cát Tiên |
César đại đế được tìm thấy tại VQG Cát Tiên. (Ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp) |
Theo tài liệu khoa học của các cán bộ VQG Cát Tiên, nấm Hoàng bạch thuộc loài Pleurotus cornucopiae (Paul.ex.pes) Roll, thuộc chi Pleurotus (chi nấm sò); là loài nấm rất quý, có giá trị cao về mặt thực phẩm (bổ dưỡng) và cả về mặt y học (chữa bệnh)… “Đây là loài nấm được phát hiện trong quá trình khảo sát khu hệ nấm lớn của VQG Cát Tiên… Chủng nấm thu được ở Cát Tiên có các đặc điểm nổi bật hơn so với các chủng du thực vào Việt Nam…” - trong tài liệu khoa học của mình, hai cán bộ của Vườn là Phạm Ngọc Dương và Nguyễn Thị Anh đã ghi nhận. Theo đó, loài nấm Hoàng bạch phát hiện tại Cát Tiên có khả năng phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nắng nóng vùng nhiệt đới, có tơ nấm thích nghi với nhiệt độ cao; có thể nuôi trồng quanh năm và cho năng suất khá cao.
Trên thế giới, nấm quý Hoàng bạch được nuôi trồng ở nhiều quốc gia; nhưng ở Việt Nam, loài này chưa được quan tâm phát triển. Hai nhà khoa học Phạm Ngọc Dương và Nguyễn Thị Anh còn cho biết: Trong chi nấm sò (Pleurotus), ngoài Hoàng bạch (Pleurotus cornucopiae) còn có nhiều loài được thế giới rất quan tâm nuôi trồng như Pleurotus ostreatus (xám đen), Pleurotus florida (trắng chịu nhiệt), Pleurotus pulmonarius, Pleurotus sapidus, Pleurotus columbinus, Pleurotus eryngii… Các loài nấm trong chi nấm sò hiện đang được nuôi trồng phổ biến này thường chứa đến 8 loại acid amin và nhiều vitamin B1, B2 và PP.
Cùng với Hoàng bạch, loài nấm César đại đế vừa được phát hiện tại VQG Cát Tiên cũng khiến cho nhiều người cảm thấy hết sức thú vị: Đây là loài nấm ăn cực kỳ quý hiến trên thế giới từ xưa đến nay. Sở dĩ loài nấm đó có tên là “César” là vì, vào thế kỷ 17, loài nấm nói trên rất được hoàng đế César của đế chế La Mã ưa chuộng; và vì vậy, nhà nấm học Scopoli (người Italia, cũng thuộc đế chế La Mã xưa) lấy tên của vị hoàng đế đặt tên cho loài nấm này. Tên loài nấm ấy “cao trọng” là vậy, nhưng ở Cát Tiên, từ xưa đến nay, người dân quanh vùng vẫn thường xuyên vào rừng nhặt đem về làm thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày với tên gọi rất đỗi bình thường là “nấm trứng” hay “nấm trứng gà” (vì màu sắc của nấm giống như lòng đỏ trứng gà). Ở Cát Tiên, nấm César đại đế có hai phân loài: César Amanita caesare (Scop.:Fr.) Grev. var. caesarea và César Amanita caesare (Scop.:Fr.) Grev. var. alba Gill. Trước đây, ở Việt Nam, César đại đế chỉ được ghi nhận tìm thấy ở miền Bắc (theo tài liệu của nhà nấm học GS Trịnh Tam Kiệt); còn ở miền Nam, chưa có thông tin về sự phát hiện loài nấm này. Như vậy, theo hai nhà khoa học Phạm Ngọc Dương và Nguyễn Thị Anh, thì “Việc tìm thấy nấm César đại đế ở VQG Cát Tiên cho thấy khu phân bố của loài này đã được mở rộng đến khu vực phía Nam; đồng thời, đặt ra một triển vọng mới: Liệu chúng ta có thể nuôi trồng thương mại loài nấm này được không? Đây sẽ là một hứa hẹn đầy hấp dẫn; bởi lẽ, giá trị kinh tế của loài nấm này trên thế giới hiện nay là rất lớn!”.
Trong hai loài nấm quý vừa phát hiện ở VQG Cát Tiên nêu trên, bước đầu, các nhà khoa học đã nuôi trồng thử nghiện thành công nấm Hoàng bạch; còn với loài César đại đế thì vẫn đang là một thách thức.
Khắc Dũng