Người thiết kế mô hình “xanh và tươi” ở Trường Sa

02:06, 17/06/2012

Tiến sĩ Ngô Quang Vinh đã cùng với nhiều nhà khoa học trong nước trồng thành công hàng loạt giống rau xanh trên 7 đảo lớn, nhỏ giữa vùng biển biên cương của Tổ Quốc.

Kỳ I: Từ những chuyến khảo sát

Liên tục gần 6 năm với 6 chuyến hải trình nghiên cứu, khảo nghiệm về khí hậu, thổ nhưỡng trên quần đảo Trường Sa, tiến sĩ Ngô Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt, đã cùng với nhiều nhà khoa học trong nước trồng thành công hàng loạt giống rau xanh và nuôi sinh sản nhiều giống vật nuôi trên 7 đảo lớn, nhỏ, mở ra hy vọng về khả năng tự túc tại chỗ nhu cầu thực phẩm “xanh và tươi” hàng ngày của quân và dân giữa vùng biển biên cương của Tổ Quốc.

Tiến sĩ Ngô Quang Vinh (người đứng, áo trắng) đang hướng dẫn bộ đội, nhân dân trên đảo Trường Sa xây lắp nhà kính trồng rau
Tiến sĩ Ngô Quang Vinh (người đứng, áo trắng) đang hướng dẫn bộ đội, nhân dân trên đảo Trường Sa xây lắp nhà kính trồng rau


Tôi gặp tiến sĩ Ngô Quang Vinh vào một sáng tháng sáu tại văn phòng làm việc của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt. Anh vừa trở về từ quần đảo Trường Sa sau hải trình nửa tháng kiểm tra, đánh giá về kỹ thuật xây dựng những mô hình “xanh và tươi” ở đây. Đây là những công trình thuộc Dự án “Thử nghiệm một số giống cây trồng và vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do anh làm Chủ nhiệm. Đồng hành với anh là mười nhà khoa học phụ trách các chuyên ngành trong Viện như Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (do anh làm giám đốc), Phòng Nghiên cứu di truyền vật nuôi, Phòng Nghiên cứu dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi, Phòng Nghiên cứu kỹ thuật canh tác. Đứng ở vị trí là Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, tiến sĩ Ngô Quang Vinh tâm sự: “Nói đến Trường Sa, mỗi người Việt Nam đều muốn góp sức mình cùng xây dựng và bảo vệ, cùng mong muốn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở đó luôn có điều kiện sống và làm việc tốt nhất. Với tình cảm và trách nhiệm của ngành kỹ thuật nông nghiệp, tôi và đồng nghiệp của mình luôn động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tích cực đào sâu nghiên cứu, tìm ra những giải pháp khả thi nhất để phát triển cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng bữa ăn có đủ “chất xanh, chất tươi” hàng ngày cho bộ đội, nhân dân ở nơi vùng biển đảo tuyến đầu Tổ quốc giữa thời tiết quanh năm khắc nghiệt này…".

Miệt mài qua 6 chuyến hải trình “khám phá” dài ngày của mình ra quần đảo Trường Sa, tiến sĩ Ngô Quang Vinh và đồng nghiệp đã “đo” được những số liệu khoa học rất giá trị. Đó là tất cả phần đất nổi các đảo trên quần đảo Trường Sa đều chỉ là xác san hô và cát. Các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, mỗi đảo có từ 7-8 giếng đào nước lợ, dùng để tắm giặt và tưới các loại rau muống, mùng tơi, bầu, mướp trồng trực tiếp trên bề mặt đất cát và san hô của đảo và trồng trực tiếp trong khay chậu. Tại các đảo chìm, tổng dung tích các bể chứa nước mưa ở mỗi đảo từ 90 - 100 khối, chia phần mỗi năm dùng sinh hoạt cho 13 - 15 người và phần dùng để tưới rau.

Rau trồng trên mặt đất được chắn sóng biển bằng những bức tường xây cao khoảng 1,2 mét. Rau trồng trong chậu được chắn sóng biển bằng những vật liệu tạm như mái tôn, tấm ván, tấm nhựa… Sản lượng rau xanh hàng năm ở đây đạt từ 120 - 130 kg/người/năm, nhưng rau mùa mưa chỉ đáp ứng bằng 30 - 50% so với mùa khô. Trong khi mùa mưa kéo dài đến 9 tháng (từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau), sóng biển dâng cao, gió lớn mang hơi nước muối mặn hàng ngày tràn vào đảo, làm rau xanh dập nát, hư hại nhiều. Ngoài ra, trên đảo nổi còn đã và đang phủ xanh những cây trồng khác như bàng vuông, bàng thường, phong ba, cây tra và có thêm cây dừa, cây nhàu, đu đủ và chuối từ đất liền đưa ra trồng... Ở các đảo chìm của quần đảo Trường Sa như Đá Đông, Đá Lớn, Len Đao, Phan Vinh B, bộ đội trồng rau xanh trên khay đất đặt xung quanh hành lang nhà xây ở, gồm các loại rau như rau muống chiếm 70 - 80% sản lượng; còn lại là các loại rau mồng tơi, cải củ ăn non, cải xanh, rau bầu đất, me đất, giá đỗ, bốn bên quây che hơi nước mặn, gió mặn bằng những tấm nhựa, tấm ván sơ sài. Mỗi đảo ở đây sản lượng rau xanh bình quân đạt khoảng 10kg/tháng, trong đó mùa mưa kéo dài 9 tháng trong năm, sản lượng chỉ đạt từ 3 - 4kg/tháng.    

Từ những căn cứ dữ liệu “tích luỹ” được qua những chuyến “du khảo” ở Trường Sa, Tiến sĩ Ngô Quang Vinh ưu tư: “Thực trạng trồng rau ở Trường Sa với những hình thức che chắn sóng biển và mưa biển còn quá thủ công, trong 9 tháng mùa mưa hàng năm, phần lớn rau bị nhiễm mặn thối rễ và dập lá, nhất là thời điểm mưa dầm từ tháng 6 đến tháng 9. Với lớp đất mặt ở các đảo nổi là lớp cát san hô rất thô nên khả năng giữ nước, giữ độ dinh dưỡng trồng rau rất hạn chế. Với đất trồng rau trong khay chậu chủ yếu được mang từ đất liền ra đảo, lại nhanh chóng nghèo kiệt “độ màu” vì chưa có những biện pháp tăng cường chất hữu cơ phù hợp, kịp thời… Hướng suy nghĩ của tôi và đồng nghiệp lúc này là phải tìm ra những giải pháp kỹ thuật khả thi nhất để tăng cường thâm canh, nâng cao năng suất rau xanh trên từng mét vuông mặt đất, mét vuông khay đất quý hiếm ở Trường Sa…”.

Cùng với điều kiện khó khăn của cây trồng, những con vật nuôi ở quần đảo Trường Sa cũng không thoát khỏi cảnh thiếu thốn về con giống, giới hạn về kỹ thuật chăn thả, xây chuồng trại. Theo Tiến sĩ Ngô Quang Vinh, nguồn giống vật nuôi hiện có ở Trường Sa chủ yếu tự phát, có gì nuôi nấy như heo lai, heo rừng, gà, vịt… được tặng từ các đoàn công tác ở đất liền, sinh sản theo phối giống tự nhiên nên bản năng thích nghi môi trường biển đảo rất kém. Thức ăn cho vật nuôi hiện khoảng 80% tự túc tại chỗ các loại thực phẩm thừa, cá vụn… Chỉ có 20% còn lại là thức ăn công nghiệp được đưa từ đất liền ra. Đã có nhiều con heo lai, heo rừng sinh ra chưa lâu đã ngã bệnh chết vì mưa gió khó lường ở đảo.  

Đối chiếu những số liệu đề xuất của tiến sĩ Ngô Quang Vinh và đồng nghiệp với thực tế một chuyến khảo sát nhiều ngày tại quần đảo Trường Sa của Đoàn Công tác các nhà quản lý khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào tháng 5/2011, đã thống nhất từng giải pháp giúp bộ đội, nhân dân Trường Sa hoàn chỉnh dần các mô hình “xanh và tươi”, từng bước cải tạo môi trường cây xanh, tự túc rau xanh, tự túc thực phẩm thịt tươi hàng ngày. Đó là xây dựng nhà kính, nhà lưới, trồng rau trên giá thể trong nhà, chế biến phân hữu cơ bằng phân gia súc và phân xanh, trồng thêm nhiều loại rau mới và nhiều loại cây lâu năm vừa cho quả ăn vừa cho bóng mát; trồng cỏ để tăng quy mô chăn nuôi đàn bò, phát triển nhanh đàn vịt, gà đẻ trứng, đàn heo sinh sản với kỹ thuật chăn nuôi “khô” mới ở đảo xa…

(còn nữa)

VĂN VIỆT