Tiếp tục mở rộng từ thành công của đề tài trồng thành công hơn 10 giống rau xanh nói trên, tháng 1/2012, dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng,vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức được phê duyệt triển khai.
[links(right)](Tiếp theo) - Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất xây dựng mô hình “xanh và tươi” ở quần đảo Trường Sa còn căn cứ vào nguồn đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình và kỹ thuật trồng rau năng suất cao cho quần đảo Trường Sa” được triển khai từ tháng 11/2006, hoàn thành vào tháng 8/2008, cũng do tiến sĩ Ngô Quang Vinh là đồng chủ nhiệm với một nhà khoa học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Chi nhánh phía Nam thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Kết quả đề tài đã nghiên cứu và hướng dẫn bộ đội, nhân dân trồng thành công hơn 10 giống rau trong nhà lưới, nhà kính, trồng trên giá thể, đạt năng suất thu hoạch mỗi tháng từ 2-3kg/mét vuông. Ngày 3/11/2008, đề tài được Hội đồng Khoa học Công nghệ, Quân chủng Hải quân nghiệm thu xếp loại giỏi. Đến năm 2010, đề tài đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh và giải khuyến khích Hội thi sáng tạo toàn quốc.
Lắp nhà vòm che chắn hơi nước biển xâm nhập để trồng rau, hoa |
Tiếp tục mở rộng từ thành công của đề tài trồng thành công hơn 10 giống rau xanh nói trên, tháng 1/2012, dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng,vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức được phê duyệt triển khai. Tiến sĩ Ngô Quang Vinh được tiếp tục giao làm chủ nhiệm dự án triển khai trong 3 năm - từ đầu năm 2012 đến hết năm 2014. Theo đó, dự án chọn triển khai các mô hình “xanh và tươi” trên 3 đảo nổi là Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn; cùng 4 đảo chìm là Đá Nam, Đá Lát, Len Đao và Đá Lớn. Có 12 giống rau được trồng thử nghiệm trong nhà kính là cải xanh, cải ngọt, tần ô, cải ngồng, rau đay, rau dền, xà lách, hành lá, hẹ, húng quế, húng nhủi, rau mùi. Riêng trồng trong vòm lưới 7 loại rau trong mùa mưa là cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, rau đay, rau dền, xà lách, hành lá. Các giống vật nuôi được đầu tư kỹ thuật mới để sinh sản tăng sản lượng thịt, trứng gồm bò lai thịt, heo đen giống địa phương, vịt, gà, ngan. Các giống cây trồng mới để tăng độ phủ xanh cho đảo và cho trái, cho măng để ăn gồm cây dừa, cây tre, cây mít, cây xoài…
Tính đến giữa tháng 6/2012, tức là sau hơn 6 tháng triển khai các mô hình “xanh và tươi” ở quần đảo Trường Sa, tiến sĩ Ngô Quang Vinh, chủ nhiệm dự án phấn khởi nói: “Rau xanh gieo hạt nhiều loại trong nhà kính ở đảo Trường Sa Lớn đã bắt đầu trổ mầm và lá với tỷ lệ trên 90%...”. Theo đó, một căn nhà kính có diện tích 252 mét vuông đã hoàn thành việc xây lắp và bắt đầu xuống giống các loại hạt rau từ tháng 5/2012. Chất liệu xây lắp từ các bức vách đến các tấm mái che bằng nhựa tổng hợp trong suốt, vừa ngăn được mưa, ngăn được hơi muối mặn mà vẫn bảo đảm đủ độ ánh sáng quang hợp cho rau. Hạt rau được gieo trồng trong khay giá thể phối trộn của dự án với những thành phần gồm phân chuồng, than bùn, mùn xơ dừa, nấm có lợi… lấy từ 20mét khối của đất liền đã chuyển ra đảo. Hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt hiện đại nhất của Israel được lắp đặt, vận hành bên trong nhà kính. Khoảng 10 giống rau được đồng loạt trồng thử nghiệm trong nhà kính như cải xanh, cải ngọt, cải ăn bông, rau muống, xà lách, rau dền, tần ô, hành, hẹ, rau đay. Tiến sĩ Vinh kể tiếp: “Ở đảo chìm Đá Nam, mấy ngày gần giữa tháng sáu, sóng to, gió lớn liên tục nổi lên. Nhưng qua kiểm tra bên trong một vòm lưới vừa xây lắp xong, đã che chắn được hoàn toàn những làn hơi nước mặn xâm nhập vào. Vậy là mô hình trồng rau nhà lưới đảo chìm đã có khả quan bước đầu tiên rồi…”. Được biết nhà lưới này đã hoàn thành với phần khung rộng 0,8m, dài 1,2m, cao 0,8m. Bên trong nhà lưới, bộ đội đang đưa giá thể vào trong từng khay đất để xuống hạt giống trong giữa cuối tháng 6/2012.
Cũng theo tiến sĩ Vinh cho biết, trong tháng 5/2012, tiến sĩ Vinh cùng các nhà khoa học thành viên trong dự án đã tiến hành cấp phát tài liệu, tổ chức tập huấn và hướng dẫn thực hành về kỹ thuật chăm sóc rau xanh trong vòm kính, nhà lưới cho 70 bộ đội ở 3 đảo nổi và 4 đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, nên khi trực tiếp chuyển giao sản xuất, đã không gặp phải những ngỡ ngàng, lúng túng. Đồng thời sau khi 70 lượt bộ đội tiếp tục được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò, heo, gà, vịt trên đảo, dự án chuyển giao cho bộ đội với số lượng khá nhiều hom giống và hạt 3 loại giống cỏ sữa để chăn nuôi bò thịt, hiện đã trồng lưu giữ trên 20 mét vuông vườn ươm ở đảo Trường Sa Lớn và 100 mét vuông vườn đất ở đảo Song Tử Tây. Bước đầu chăm sóc giống cỏ này với các phương pháp tưới nước, bón phân ủ đặc biệt đã chứng tỏ khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt ở biển đảo, đã thu hái làm thức ăn khá “ngon miệng” không chỉ cho bò mà còn cho heo, gà, vịt, ngan. “Tổng hợp từ đầu năm 2012 đến nay, dự án đã đưa ra nuôi trên 3 đảo nổi và 4 đảo chìm với những con giống vật nuôi đã và đang tăng trọng trưởng thành, bước vào thời kỳ phối giống gồm 4 con bò giống (1 con đực, 3 con cái); 5 con heo đen giống địa phương (1 con đực, 4 con cái); 100 con vịt cả mái và giống đã bắt đầu phối giống, đẻ trứng…” - tiến sĩ Vinh nêu số liệu thuộc nằm lòng.
Mô hình “xanh và tươi” trên 3 đảo nổi và 4 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa đến cuối năm 2012, chủ nhiệm dự án, tiến sĩ Ngô Quang Vinh cùng với khoảng 10 nhà khoa học trong Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phải tích cực hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu về chăm sóc hiệu quả nhất trên mỗi cây trồng, trên mỗi con vật nuôi. Đó là công trình trồng rau từ việc sử dụng cát biển tại đảo để giữ độ ẩm cho giá thể; sử dụng xơ dừa và tạo phân thủy canh; phối trộn phân chuồng; trồng 500 mét vuông cỏ, xây hầm ủ cỏ cho bò ăn trong mùa khô, xây lắp mới 25 mét vuông nhà kính trồng các loại hoa như hoa sống đời, hoa cúc, hoa giấy và từ 5-6 giống hoa xương rồng; mỗi đảo trồng mới từ 10-15 cây dừa lai, từ 10-15 cây mít năng suất cao, trồng từ 30- 50 bụi tre gai và tre lấy măng… Đến năm 2014, dự án kết thúc sẽ hoàn thành 3 nhà kính (diện tích mỗi nhà kính trung bình từ 220-250 mét vuông); 300 nhà vòm kính (mỗi nhà có kích thước dài 1,2m, cao 0,8m, rộng 0,8m). Tổng diện tích nhà kính khoảng 800 mét vuông gồm 700 mét vuông trồng rau và 100 mét vuông trồng hoa, đạt được các chỉ tiêu phấn đấu gồm sản xuất thêm từ 50-60 tấn rau xanh, 4 tấn thịt heo, 2,5 tấn thịt bò và 50 ngàn quả trứng vịt…
Sau từ 1-2 chuyến ra quần đảo Trường Sa mỗi năm, tiến sĩ Ngô Quang Vinh về đất liền lại kết nối liên lạc điện thoại hàng ngày với từng “kỹ thuật viên nông nghiệp” là bộ đội trên 7 đảo của dự án đã đào tạo, nghe đánh giá tiến độ phát triển của vật nuôi, cây trồng để chỉ đạo kịp thời các giải pháp kỹ thuật hiệu quả hơn, phấn đấu khi bước vào năm 2014, riêng mỗi mét vuông nhà kính ở đảo mỗi ngày phải thu hoạch ít nhất từ 2-3 kg rau xanh đạt chất lượng cao. Còn thịt, trứng tươi thì bữa ăn nào của bộ đội, nhân dân trên đảo cũng đều sẽ có.
Trước thực tế mô hình “xanh và tươi” trên quần đảo Trường Sa đang tiến triển khả thi, dự báo nhiều tín hiệu khả quan, người thiết kế chính và là chủ nhiệm dự án, tiến sĩ Ngô Quang Vinh tiếp tục mong muốn được góp sức hơn nữa: “Nếu được phép áp dụng mô hình “xanh và tươi” này trên tất cả 21 đảo của quần đảo Trường Sa. Dự án sẽ cần thêm 20 nhà kính, khoảng 15-16 ngàn khay chậu đất trồng rau, hoa, hàng năm cần 100 mét khối giá thể mới. Bên cạnh đó cần thêm 200 con heo giống, 30-40 con bò giống, 300-400 con vịt giống…”. Nếu đề xuất mới này của tiến sĩ Ngô Quang Vinh tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận, tôi hình dung chỉ vài năm nữa thôi, chất lượng cuộc sống hàng ngày từ mô hình “xanh và tươi” của bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa đâu còn gọi là còn cách biệt nữa so với cuộc sống ở đất liền.
VĂN VIỆT