Nguy cơ của biến đổi khí hậu tới môi trường sống

11:06, 28/06/2012

(LĐ online) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) được nhận định là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc đến sự phát triển bền vững và an ninh toàn cầu...

[links(right)](LĐ online) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) được nhận định là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc đến sự phát triển bền vững và an ninh toàn cầu, như: nguồn nước, năng lượng, lương thực, xã hội, việc làm... Việt Nam được đánh giá là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.

Mai anh đào Đà Lạt thường nở vào sau Noel đến trước tết Dương lịch, nhưng do thời tiết lạnh giá, năm nay nở rộ vào đúng tết Âm lịch.
Mai anh đào Đà Lạt thường nở vào sau Noel đến trước tết Dương lịch, nhưng do thời tiết lạnh giá, năm nay nở rộ vào đúng tết Âm lịch.


* Biến đổi khí hậu

BĐKH hiểu đơn giản và dễ nhận biết là sự thay đổi của thời tiết có liên quan đến nhiệt độ, hiện tượng mưa, nắng, bão, gió, độ ẩm... Bất cứ người dân Đà Lạt nào cũng nhận thấy, thời tiết năm nay có nhiều khác biệt: vào mùa Noel, trời giá lạnh hơn, có cảm giác rét; nhưng thời điểm này, thời tiết lại nóng hơn mọi năm, có nét giống kiểu khí hậu “mùa hè” là nắng, nóng, nhiệt độ cao; ban đêm, không còn sử dụng những loại chăn dày, mà phải thay chăn mỏng.

Sự khác biệt khí hậu không chỉ người dân Đà Lạt vốn luôn được sống trong không khí “mát mẻ quanh năm” mới nhận thấy, mà khắp miền đất nước đều chịu đựng sự gay gắt của khí hậu. Ví dụ, miền Nam trước kia không lạnh, song gần đây lại xuất hiện những đợt lạnh bất thường, vào mùa Noel đều phải mặc áo ấm. Miền Bắc, thời tiết nóng hơn, kéo dài hơn vào mùa hè, xuất hiện nhiều hơn các kiểu thời tiết cực đoan: nắng nóng, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, bão lốc...; trong khi mùa đông lại chịu cảnh rét đậm, rét hại, sương giá...

Từ năm 1997, giới khoa học đã khẳng định, nhiệt độ trên toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng và nhiều hơn so với mức bình thường. Nguyên nhân, một phần do dân số tăng nhanh, con người sử dụng năng lượng là các loại khí đốt, chất đốt... nhiều hơn và cũng xả ra một lượng khí CO2 nhiều hơn. Việc khai thác các loại khí đốt, chất đốt... làm xâm hại đến cấu trúc cơ học của bề mặt trái đất như: khí đốt dưới lòng biển, than đá trong lòng đất, gỗ trong rừng...

Đặc biệt, việc lạm dụng và phát triển ồ ạt các công trình thủy điện đã khiến cho các dòng sông bị cạn nước, thay đổi hướng dòng chảy, thậm chí là mất luôn dòng chảy vào mùa nước kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sản xuất nông nghiệp của dân cư và hệ sinh thái hai bên bờ sông do thiếu nước, mất nước.... Việt Nam hiện nay có hơn một ngàn công trình thủy điện, nhưng rất ít công trình có sự tái tạo dòng chảy sau đập tràn. Nhiều con sông lại có rất nhiều công trình thủy điện khiến năng lực tái tạo dòng chảy càng ít hơn, ví dụ như hệ thống sông Đồng Nai (10 thủy điện và 2 dự án), hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (8 thủy điện)...

* Tác động của BĐKH

Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,50C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam có thể tăng khoảng 2,30C, mực nước biển có thể dâng cao từ 75cm - 1m so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999. Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 40% diện tích ở ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển có nguy cơ bị ngập, trong đó TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và con số tổn thất sẽ lên tới khoảng 10% GDP.
(Tổ chức IIED,Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

BĐKH không những làm thay đổi điều kiện sống của các loài sinh vật, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây lũ lụt, nguy cơ xuất hiện nhiều loại bệnh dịch mới, mà còn làm môi trường suy thoái, thay đổi cấu trúc mùa vụ, tác động xấu đến chăn nuôi, trồng trọt của người dân… BĐKH đã và đang tạo nên những nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bền vững của các vùng miền Việt Nam.

Đặc biệt là ảnh hưởng đến các hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp ở nước ta. Tại hội thảo “Sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm nông nghiệp để cải thiện độ phì đất, tăng năng suất cây trồng và giảm phát thải khí nhà kính” mới đây đã đưa ra số liệu: Tổng lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tương đương khoảng 65,091 nghìn tấn CO2, chiếm 43,1% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng thêm gần 30% nữa vào năm 2030.

Nguồn phát thải chủ yếu là từ canh tác lúa nước, từ đốt phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Theo các nhà khoa học, việc tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón hữu cơ sinh học, than sinh học, khí sinh học… không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí; mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng động.

Nhằm cải thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới một nền nông nghiệp carbon thấp, thân thiện với môi trường, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, ngành trồng trọt giảm được 9,46 triệu tấn CO2, chăn nuôi giảm 6,3 triệu tấn CO2, thủy sản giảm 3 triệu tấn CO2 và các ngành nghề nông thôn khác giảm 4,78 triệu tấn CO2.

Đồng thời, triển khai các giải pháp ứng phó, như: tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, đầu tư trồng rừng, quản lý rừng và các hệ thống thủy lợi - thoát lũ...; xây dựng, thay đổi cơ cấu giống - cây trồng phù hợp, kháng - chịu hạn...; bố trí thời vụ thích hợp để tránh hạn, né lũ; cải tạo vườn cây theo hướng đa dạng sinh học như: trồng cây che bóng, cây có tác dụng hạn chế bốc hơi nước, chống xói mòn...; khuyến cáo người dân áp dụng biện pháp sử dụng, tưới tiêu tiết kiệm nước...

Nhưng, quan trọng và thiết thực nhất chính là nhận thức và thái độ, hành vi ứng xử của mỗi con người, mỗi công dân trong mọi hoạt động sống, lao động sản xuất, sinh hoạt, sử dụng tài nguyên... theo hướng thích ứng, có lợi, tái tạo tự nhiên và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH.

Lê Hoa