Các chuyên gia dự báo rằng, smartphone BlackBerry sẽ trở nên ít quan trọng đối với các Giám đốc điều hành doanh nghiệp, khi BlackBerry liên tục mất thị phần và sản phẩm của các đối thủ Apple và Google ngày càng hấp dẫn hơn.
Các chuyên gia dự báo rằng, smartphone BlackBerry sẽ trở nên ít quan trọng đối với các Giám đốc điều hành doanh nghiệp, khi BlackBerry liên tục mất thị phần và sản phẩm của các đối thủ Apple và Google ngày càng hấp dẫn hơn.
Thời hoàng kim đang lụi dần
Vào năm 1999, sản phẩm đầu tiên của RIM đã làm điên đảo giới yêu công nghệ khi cho ra đời chiếc BlackBerry 850. Bao niềm tin yêu hy vọng đã được RIM thai ngén vào các thế hệ tiếp theo. Và thậm chí chỉ 5 năm trước đây, chiếc BlackBerry còn là một thương hiệu lớn trong làng di động và đối với nhiều người, chiếc BlackBerry đã trở thành một vật dụng bắt buộc phải có, một máy tính cầm tay không dây có thể gửi email và gọi điện thoại.
Từ rất lâu, các Giám đốc điều hành của RIM đã không thèm chú ý tới mối đe dọa từ đối thủ khác và vẫn nghĩ rằng họ là “vua smartphone”. Họ nghĩ rằng, phân khúc doanh nghiệp là bất khả xâm phạm và thuộc sự chi phối của họ.
Nhưng kể từ năm 2010, thực tế đó đã thay đổi và RIM đã hoảng sợ. Họ đã phải tìm kiếm một hệ điều hành mới để thay thế nền tảng đã già nua của mình. Hãng đã tìm ra QNX, một hệ thống giống UNIX. QNX được biết đến với hệ điều hành cấp công nghiệp và nhiều xe hơi hiện nay trên thị trường đang sử dụng phần mềm QNX. RIM đã mua lại QNX vào năm 2010. Tuy nhiên, nền tảng này cũng chưa thể khiến RIM thoát ra khỏi cơn bão táp công nghệ đang thay đổi chóng mặt trong lĩnh vực điện thoại di động.
Công ty Canada từng nổi tiếng một thời với thương hiệu BlackBerry đang phải vật lộn với sự quay lưng lại của những khách hàng lâu năm, đồng thời chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Apple, Google và Microsoft.
Lần đầu tiên trong 7 năm, RIM để mất 125 triệu doanh thu, sụt giảm 25% so với một năm trước và doanh số bán ra cũng giám 11%. Đáng kể hơn, thị phần của hãng lại thụt lùi ngày càng cách xa so với hai đối thủ Apple và Google, những tên tuổi đi sau nhưng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường smartphone.
Nhớ lại tên tuổi một thời - Palm trong thị trường điện thoại di động, có lẽ đây là bài học đắt giá cho sự chậm đổi mới để RIM tránh khỏi “vết xe đổ” đó. Palm đã bắt đầu cuộc cách mạng thiết bị cầm tay với những thiết bị trợ giúp cá nhân kỹ thuật số (PDA) và cuối cùng bị đánh bật khỏi thị trường này. Một khi họ đang đứng trên bậc vinh quang và thị trường bắt đầu chuyển sang trào lưu smartphone, họ đã không thể đáp ứng lòng mong mỏi của người dùng. Vì vậy, Palm đã cố gắng tận dụng hệ điều hành điện thoại thông minh của họ nhưng đã thất bại và cuối cùng đã phải bán mình cho HP.
Có thể lịch sử sẽ lặp lại nhưng đây cũng là bài học kinh nghiệm để giúp các công ty khác nhận ra sai lầm mà thay đổi. RIM có thể rút kinh nghiệm từ sự thất bại của Palm để tìm cho mình một hướng đi thực sự khả quan hơn.
Tương lai vẫn mờ mịt
Mới đây, RIM đã đưa ra mô hình chiến lược kinh doanh mới, RIM sẽ tập trung chủ yếu nguồn lực vào mảng doanh nghiệp. CEO Heins nói rằng: “Chúng tôi sẽ lại nhắm vào mảng cung cấp thiết bị phục vụ doanh nghiệp để giành lại vị trí dẫn đầu của RIM trong lĩnh vực này.
Chúng tôi đã bị tụt lại trong trào lưu BYOD và chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng trong khu vực doanh nghiệp đang chậm lại rõ rệt”. BYOD là thuật ngữ viết tắt của “bring your own device”, một khuynh hướng mới trong việc quản lý thiết bị di động của doanh nghiệp, cho phép nhân viên được sử dụng các thiết bị di động cá nhân truy cập vào mạng nội bộ của công ty để làm việc và xử lý dữ liệu.
Smartphone màn hình cảm ứng của RIM chưa đủ sức để kéo khách hàng quay trở lại thương hiệu này. |
Đồng thời, Heins cũng nhấn mạnh vào việc RIM đang rất kỳ vọng vào nền tảng BlackBerry 10 của hãng và nhắm vào toàn bộ các phân khúc khách hàng, bao gồm cả người dùng cuối. RIM đang cân nhắc xem sẽ tự làm phần cứng hay liên kết với các đối tác như một phần của chiến lược.
Tuy nhiên, tại thời điểm này dường như không chắc rằng RIM sẽ lấy lại vị trí hệ điều hành smartphone hàng đầu ở Mỹ vì Apple và Google đã vượt qua RIM với khoảng cách khá xa. Kết thúc quý 1/2012, Android chiếm 51% thị phần, Apple đứng vị trí thứ hai với 30,7% trong khi đó RIM tụt xuống còn 12,3%.
Nếu RIM không thể thoát ra khỏi tình cảnh này, chiếc BlackBerry lừng lẫy một thời sẽ trở thành một tấm gương mới nhất về sự phát triển và suy sụp nhanh chóng như thế nào trong thị trường CNTT hiện nay. Đó thực sự là bài học không mới cho những người chậm thay đổi, không theo kịp sự thay đổi chóng mặt thời đại công nghệ số.
(Theo vnmedia)