Thu hái chè bằng cơ giới: Điều nên làm

02:07, 17/07/2012

Mô hình cơ giới hóa trong khâu thu hái chè búp tươi được thử nghiệm tại Công ty cổ phần Chè Minh Rồng với 69 hộ nông dân tham gia trên 50 ha chè giống TB14 và LDP1 được Hội đồng KHKT và Sở KH-CN tỉnh nghiệm thu mới đây đã cho thấy để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất chè trên diện tích canh tác, tạo nguyên liệu đồng đều và an toàn cho công nghiệp chế biến…

Mô hình cơ giới hóa trong khâu thu hái chè búp tươi được thử nghiệm tại Công ty cổ phần Chè Minh Rồng với 69 hộ nông dân tham gia trên 50 ha chè giống TB14 và LDP1 được Hội đồng KHKT và Sở KH-CN tỉnh nghiệm thu mới đây đã cho thấy để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất chè trên diện tích canh tác, tạo nguyên liệu đồng đều và an toàn cho công nghiệp chế biến… thì đưa máy móc vào thu hái chè búp tươi đang là “cứu cánh” của những nông hộ có diện tích chè lớn. Và đây là điều nên làm sớm.

Ông Bùi quang Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Minh Rồng cho hay, qua khảo sát của những người tham gia đề tài khoa học triển khai mô hình này thì ở Bảo Lâm nói riêng và các vùng chè trong tỉnh nói chung, do tình trạng thiếu lao động, vào mùa thu hoạch nông sản, nhiều nông hộ có diện tích cây công nghiệp lớn như cà phê, chè đang phải thuê nhân công với giá cao từ 150.000-180.000 đồng/ngày công, chưa kể cơm nuôi và tiền tàu xe. Với các hộ chuyên canh chè, công thu hái chè búp tươi chiếm từ 32-33% doanh thu khi đơn giá công hái chè hiện đang vào khoảng 1.000-1.100 đồng/kg đối với các giống chè địa phương và từ 3.500-3.700 đồng/kg đối với các giống chè nhập nội từ Đài Loan. Việc cơ giới hóa khâu thu hái chè búp tươi trước hết sẽ giúp các địa phương vùng sản xuất chè giải quyết được tình trạng thiếu lao động (trong khi phần lớn thanh niên nông thôn đang đổ xô về các thành phố tìm việc làm) và hạ được đơn giá thu hoạch chè.
 

Việc cơ giới hóa trong thu hái chè búp tươi đã mang lại hiệu quả kinh tế, để áp dụng thu hái chè búp tươi bằng máy thì các vườn chè phải thâm canh theo đúng quy trình mà các cơ quan KHKT nông nghiệp khuyến cáo. Ảnh: Minh Ngọc
Việc cơ giới hóa trong thu hái chè búp tươi đã mang lại hiệu quả kinh tế, để áp dụng thu hái chè búp tươi bằng máy thì các vườn chè phải thâm canh theo đúng quy trình mà các cơ quan KHKT nông nghiệp khuyến cáo. Ảnh: Minh Ngọc

Sở dĩ gọi là “cứu cánh” là vì theo tính toán của Công ty cổ phần Chè Minh Rồng và tính toán này đã được kiểm chứng qua thực tế thì hiệu quả kinh tế của việc cơ giới hóa thu hoạch chè như sau: Tại mô hình 50 ha, mỗi năm 1 ha cho sản lượng chè thu hoạch 22.101 kg, đơn giá chè búp tươi bán cho cơ sở chế biến vào khoảng 5.412 đ/kg với doanh thu 119,61 triệu đồng, trong khi chi phí vật tư và nhân công hết 76,71 triệu đồng đã cho lợi nhuận bình quân gần 42,9 triệu đồng. Trong khi đó, với việc thu hái chè búp tươi theo phương pháp truyền thống ngay trong cùng địa bàn thì chi phí vật tư và nhân công vào khoảng 75,78 triệu đồng, sản lượng chè búp tươi thu hoạch 20.000 kg với giá bán bình quân 5.260 đ/kg, doanh thu 105,2 triệu đồng và lợi nhuận sau chi phí đạt 29,4 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, với việc cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lợi nhuận của người trồng chè đã tăng thêm gần 18,5 triệu đồng/ha. Lợi nhuận tăng này có được nhờ giảm được tiền nhân công thu hái (giảm 50% so với thu hái chè bằng tay), giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật (giảm 58%) và năng suất chè tăng (tăng10%). Hiệu quả của khâu sản xuất nông nghiệp trên cũng đã tác động tới hiệu quả chế biến chè của các cơ sở chế biến thu mua chè búp tươi nguyên liệu của mô hình với lợi nhuận sau chi phí 13,1 triệu đồng/sản lượng chè của 1 ha canh tác.

Tuy nhiên, để cơ giới hóa khâu thu hái chè búp tươi, vườn chè phải được thâm canh theo đúng quy trình mà các cơ quan KHKT nông nghiệp khuyến cáo như phải trồng theo đường đồng mức, có trồng cây chắn gió, phải đốn sửa và tạo tán, tăng lượng phân bón vô cơ, thực hiện hái nhảo trước khi hái bằng máy và hái lại những búp còn sót sau khi hái máy. Đây là những yêu cầu bắt buộc và người trồng chè ở Lâm Đồng hoàn toàn có khả năng thực hiện tốt. Bằng việc thực hiện quy trình này, vườn chè đã phát triển tốt, cho năng suất cao, búp tươi thu hoạch bằng máy tương đối đồng đều và có chất lượng ổn định. Việc giảm được số lần sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật đã giúp người trồng chè hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, môi trường được bảo vệ và tồn dư hóa chất độc hại trong chè thành phẩm cũng  thấp hơn.

Hiệu quả của cơ giới hóa trong thu hái chè đã được nhiều hộ trồng chè ở Bảo Lâm, Bảo Lộc… thừa nhận, nhưng để triển khai rộng rãi mô hình này, Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua máy hái, máy đốn chè và tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao tiến bộ KHKT thâm canh chè cho nông dân…

Đức Hưng