Qua thực hiện thử nghiệm, hình thức tưới nhỏ giọt trên cây ca cao ở Đạ Huoai đã mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ.
Mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt trên cây ca cao là nội dung của một đề tài khoa học lần đầu tiên được triển khai tại huyện Đạ Huoai từ tháng 10/2011 do Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Đạ Huoai thông qua và Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai thực hiện. Qua thực hiện thử nghiệm, hình thức tưới nhỏ giọt trên cây ca cao ở Đạ Huoai đã mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ.
Mô hình vườn ca cao 18 tháng tuổi ở Phước Cát I, huyện Cát Tiên. Ảnh: N.Minh |
Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết, mô hình được triển khai tại 3 điểm vườn ca cao của các ông Võ Bằng ở thôn 1, xã Đạ Tồn; Nguyễn Xuân ở thôn 1, xã Đạ Ploa và hộ ông Lâm Văn Bảo ở thôn 7, xã Mađagui với quy mô mỗi điểm 0,5 ha. Tại các mô hình thực nghiệm, tuổi của cây ca cao khoảng 3 hoặc 4 năm - độ tuổi ca cao bắt đầu cho kinh doanh. Khuyến cáo lượng phân bón tại các mô hình này được đưa ra là 1,5 kg phân NPK/kg/năm; gồm 300g Urea cộng với 600g Super lân và 600g KCl. Tại mô hình tưới nhỏ giọt, tần suất tưới nước được áp dụng là 10 lít nước/gốc/lần, 1 ngày tưới 1 lần, thời gian tưới là 120 phút/lần tưới. Tại khu đối chứng (tưới theo kiểu truyền thống), nước được tưới với lượng 240 lít nước/cây/lần tưới, thời gian tưới là 2 phút/cây và tần suất tưới là 10 ngày/lần.
Kết quả thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt trên cây ca cao tại các mô hình thực nghiệm của 3 hộ nông dân tại Đạ Huoai thu được: Nước và phân bón dẫn đến từng gốc ca cao trong vùng có rễ (không cho nước và phân tràn ra vùng không có rễ), hạn chế được sự lãng phí lượng nước và phân bón. Đồng thời, tiết kiệm được tiền điện bơm nước tưới cho cây ở mức 154kW/năm (tương đương 308.000 đồng/0,5 ha/năm) so với tưới truyền thống là 300 kW/năm (600.000 đồng/0,5 ha/năm). Như vậy, nếu tưới nhỏ giọt cho cây ca cao sẽ tiết kiệm được mỗi năm 292.000 đồng/0,5 ha. Về năng suất, tại mô hình tưới nhỏ giọt, ca cao đạt từ 3,6-4,5 tạ/0,5 ha/năm; cao hơn 0,2-0,5kg/cây/năm (tương đương 0,6-1,6 tạ/0,5 ha/năm) so với vườn ca cao đối chứng. “Khi áp dụng tưới nhỏ giọt, cây ca cao được tưới và bón phân một cách đầy đủ và khoa học theo cách chia nhỏ lượng phân bón nhiều lần trong năm nên đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, dẫn đến tăng năng suất cây trồng” - Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai rút ra kinh nghiệm. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp Đạ Huoai còn cho biết: “Tại các mô hình tưới nhỏ giọt, các khâu làm cỏ, tủ gốc giữ ẩm, tỉa cành tạo tán, chi phí đầu tư phân bón và phòng trừ sâu bệnh so với vườn đối chứng (không tưới nhỏ giọt) không khác nhau nhiều nhưng ở vườn tưới nhỏ giọt, năng suất cây trồng đã tăng từ 20%-50%, lợi nhuận cũng theo đó tăng từ 25%-100%, tương đương 2-8 triệu đồng/0,5 ha/năm”. Cùng đó, tưới nhỏ giọt trên cây ca cao sẽ tiết kiệm được khoảng 52% lượng nước so với kiểu tưới truyền thống. Ngoài việc bảo vệ và tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước, việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt còn có tác dụng hạn chế ô nhiễm môi trường do phân bón được sử dụng hợp lý thông qua hệ thống tưới, giảm thiểu tình trạng phân bón bị bay hơi và rửa trôi gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, với lưu lượng nước tưới cực nhỏ của công nghệ tưới nhỏ giọt đã hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng xói mòn đất, hiện tượng rửa trôi và làm nghèo đất; từ đó góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường đất.
Cả tỉnh Lâm Đồng hiện có 1.700 ha ca cao; trong đó tập trung ở 3 huyện phía nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Ca cao tuy là loại cây trồng mới được đưa vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương nhưng đây là loại cây trồng nhanh chóng chứng tỏ hiệu quả kinh tế ở tỉnh Lâm Đồng. Từ trước đến nay, trong canh tác cây ca cao, nhà nông Lâm Đồng chưa bao giờ đưa công nghệ tưới nhỏ giọt vào áp dụng. Nay, với mô hình thử nghiệm này tại huyện Đạ Huoai - huyện có vùng ca cao trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu cần thiết trong chiến lược phát triển bền vững đối với cây ca cao của cả tỉnh.
Thi Hoàng