Nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp: Từ lý thuyết đến thực tiễn

02:09, 18/09/2012

Điều đáng nói, với các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong vài năm gần đây, việc ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đã mang lại kết quả khá cao rất đáng được ghi nhận.

Thông tin từ Sở KHCN Lâm Đồng cho biết: Hằng năm, tỉnh có trung bình 25 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp tỉnh trở lên được triển khai; trong đó, đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn. Điều đáng nói, với các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong vài năm gần đây, việc ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đã mang lại kết quả khá cao rất đáng được ghi nhận.

Kết quả đề tài nghiên cứu về cây bơ ghép của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng được triển khai cho nhiều hộ nông dân và thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao
Kết quả đề tài nghiên cứu về cây bơ ghép của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng được triển khai cho nhiều hộ nông dân và thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao


Trong số trên dưới 25 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp tỉnh trở lên được triển khai hằng năm tại Lâm Đồng thì số lượng đề tài khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp và liên quan đến nông nghiệm chiếm đến trên dưới 50%. Một lãnh đạo của Sở KHCN Lâm Đồng cho biết: “Hoạt động nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây đã được triển khai dưới rất nhiều hình thức. Ví dụ như, trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu, đề tài khoa học đó được tiếp tục thực hiện dưới hình thức các dự án sau nghiên cứu theo các dạng dự án sản xuất thử nghiệm, dự án nông thôn miền núi…; và cũng có thể trên cơ sở nghiên cứu có được, đề tài được triển khai ứng dụng trực tiếp cho các cơ sở. Nhìn chung, trong thực tế vài năm gần đây, quá trình triển khai ứng dụng hoặc nối tiếp các đề tài nghiên cứu khoa học ở Lâm Đồng đã mang lại những kết quả đáng khích lệ”.

Một trong những đề tài được đánh giá cao trong thời gian gần đây là đề tài – dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè búp tươi ở Lâm Đồng” do Công ty cổ phần chè Minh Rồng thực hiện. Đây là đề tài nằm trong chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi” của Văn phòng Nông thôn và miền núi thuộc Bộ KHCN giao cho Công ty chè Minh Rồng (Lâm Đồng) triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, mô hình cơ giới hóa trong khâu thu hái chè búp tươi đã được Công ty chè Minh Rồng thực hiện tại 69 hộ nông dân trong vùng với tổng diện tích chè được đưa vào thực nghiệm là 50ha. Theo kết quả nghiệm thu đề tài (vào ngày 15.8.2012) thì dự án đã xây dựng được mô hình 50ha chè áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè búp tươi. Sau hai năm thực hiện, vườn chè đã phát triển khá tốt và cho năng suất cao hơn hẳn so với trước; số lần phun thuốc trừ sâu giảm (còn chỉ 4 – 5 lần mỗi năm), số lượng lứa hái trong năm đã tăng lên (6 – 7 lứa), năng suất lao động tăng 4 – 6 lần… Đặc biệt, Hội đồng Nghiệm thu đã đánh giá đề tài này là: “Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho 69 hộ nhận khoán tham gia mô hình là 4,394 tỷ đồng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chè búp chất lượng, an toàn để chế biến, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh là 1,266 tỷ đồng”.

Hoặc như cũng trong thời gian gần đây, kết quả triển khai ứng dụng một đề tài khoa học của Viện Hóa học về cây atisô ở Đà Lạt cũng đã được đánh giá khá cao. Cụ thể, kết quả của đề tài “Xây dựng công nghệ trích ly hợp chất có hoạt tính sinh học trong dược liệu atisô với hiệu suất cao” do Viện Hóa học chủ trì là cơ sở để lựa chọn nguyên liệu từ cây atisô ứng dụng vào sản xuất các hoạt chất bằng nguồn dược liệu trong nước. Cùng đó, sau nghiên cứu, Viện Hóa học hiện còn đang phối hợp với Công ty cổ phần dược Lâm Đồng tiếp tục triển khai dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ ly trích các chất có hoạt tính sinh học từ lá atisô và sản xuất thử nghiệm cao bột sấy phun” và bước đầu cho kết quả khá khả quan. Từ dự án này, trên cơ sở công nghệ đã được hoàn thiện, Công ty cổ phần dược Lâm Đồng đã sản xuất được 20 tấn cao bột atisô sấy phun – vượt 5 lần so với kế hoạch sản xuất thử nghiệm. Hoặc như, cũng trong thời gian gần đây, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cà chua theo hướng nông nghiệp công nghệ cao” được triển khai tại Đơn Dương đã mang lại kết quả: Năng suất cà chua tăng gấp 3 lần so với sản xuất truyền thống (đạt đến 250 tấn/ha). Cùng đó là các đề tài cũng được đánh giá cao như Xây dựng quy trình trồng địa lan theo hướng kiểm soát an toàn dịch bệnh, Ứng dụng công nghệ xử lý bảo quản và đóng gói thích hợp cho một số loài hoa cắt cành Đà Lạt phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, Xây dựng mô hình phòng trừ sâu bệnh sưng rễ trên cây cải bắp…

Tất nhiên, từ kết quả nghiên cứu khoa học đến thực tiễn là cả một quá trình ứng dụng không hề ngắn và cũng không hề dễ dàng triển khai để đạt kết quả cao nhất. Song, việc ngay từ đầu phải xác định được khả năng ứng dụng trong thực tiễn của các đề tài nghiên cứu khoa học nói chung và đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp nói riêng để triển khai nghiên cứu và ứng dụng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Khắc Dũng