Mỗi năm trên 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Khoa học Công nghệ cấp tỉnh cùng vốn đối ứng địa phương để các huyện, thành trong tỉnh thực hiện các đề tài ứng dụng khoa học kỹ thuật ở cơ sở, nhưng việc nhân rộng các đề tài này đến với người dân vẫn là một vấn đề.
Mỗi năm trên 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Khoa học Công nghệ cấp tỉnh cùng vốn đối ứng địa phương để các huyện, thành trong tỉnh thực hiện các đề tài ứng dụng khoa học kỹ thuật ở cơ sở, nhưng việc nhân rộng các đề tài này đến với người dân vẫn là một vấn đề.
Ông Đặng Phước Hoá đang chăm sóc đàn nhím trong chuồng |
Được coi là một mô hình thực hiện thành công đề tài nuôi nhím qui mô gia đình tại huyện Lạc Dương, đàn nhím của ông Đăng Phước Hoá, thôn Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương với 4 con giống được huyện đầu tư năm 2008, đến nay đã tăng lên đến 14 con. Trong dãy chuồng mái lợp tôn sau nhà, để chống gió, ông đã quây khá kín, bọc lưới sắt chung quanh các ô nhỏ. Nhưng dù lạnh đàn nhím của ông vẫn phát triển rất tốt. “Nhím rất dễ nuôi, rau, củ, bắp…, ăn gì cũng được, chẳng đau bệnh gì, nhà tôi làm vườn, nên thức ăn rất nhiều, tôi nghĩ ai nuôi cũng được” - ông Hoá cho biết.
Để đưa được con nhím vốn là động vật hoang dã vào danh mục chăn nuôi của người dân trong huyện, tạo ra những vật nuôi mới có giá trị trên địa bàn, cho mức thu nhập cao hơn, giải quyết công ăn việc làm trong lúc nông nhàn, trong năm 2008, từ nguồn kinh phí 60 triệu đồng cho hoạt động Khoa học Công nghệ (KH CN) cấp huyện, Lạc Dương đã hỗ trợ 7 con nhím giống cho Doanh nghiệp Quốc Hương và một hộ nông dân là gia đình ông Hoá trên địa bàn thị trấn Lạc Dương chăn nuôi. Để tiếp nhận 7 con nhím giống này, Cty Quốc Hương và ông Hoá đã phải đóng góp thêm tổng cộng 165 triệu đồng như là vốn đối ứng khi tham gia vào dự án. Nhưng khi doanh nghiệp trên nuôi nhím không đạt do thiếu sự chăm sóc, thì hộ ông Hoá đã gầy dựng thành một đàn nhím khoẻ mạnh, trong đó có những cặp nhím bố mẹ đạt chuẩn để làm giống.
Lạc Dương được coi là một trong những huyện, thành của tỉnh đang triển khai khá tốt các đề tài dự án từ nguồn vốn KHCN hằng năm. Trong năm vừa qua, Lạc Dương đang triển khai mô hình nuôi dúi tại 2 nông hộ (tổng kinh phí 80 triệu đồng) và mô hình trồng rau an toàn trong nhà kính, nhà lưới (tổng kinh phí 300 triệu đồng). Cả hai đề tài này đang chuẩn bị nghiệm thu. Trong năm nay với tổng kinh phí 188 triệu đồng, Lạc Dương đang thực hiện 2 dự án khác: xây dựng mô hình sản xuất cà phê chè an toàn trên địa bàn và ứng dụng KHKT vào xây dựng mô hình trồng chuối La ba tại xã Đạ Sar. Theo Sở KHCN Lâm Đồng, mỗi năm gần đây gần 2,5 tỷ đồng từ kinh phí KHCN của tỉnh cộng với vốn đối ứng từ ngân sách các địa phương được dành để triển khai các đề tài cấp huyện, thành trong tỉnh. Trung bình mỗi huyện thành phố mỗi năm có khoảng 200 triệu đồng cho các hoạt động này. Các địa phương căn cứ trên nguồn kinh phí phân bổ để xây dựng các mô hình, thường là ở qui mô nông hộ. Trong năm nay, với tổng kinh phí 242 triệu đồng, Đà Lạt bên cạnh việc thành lập tiếp các điểm thông tin KHCN tại các phường xã nơi chưa có, đang thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ xử lý, bảo quản và đóng gói rau sau thu hoạch phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”. Huyện vùng sâu Cát Tiên với kinh phí 248 triệu năm nay cũng thực hiện 4 đề tài, gồm: Sản xuất lúa giống tại xã Phù Mỹ; Phát triển cây Diệp Hạ Châu; Xây dựng chương trình GAP trên cây lúa xã Phù Mỹ và Xây dựng mô hình trồng nấm Linh Chi trên địa bàn huyện. Tại Lâm Hà, năm 2011 huyện đã xây dựng mô hình thâm canh cà phê Cantimo cho vùng đồng bào dân tộc xã Phi Tô, còn năm nay với kinh phí 211 triệu đồng, huyện đang phát triển mô hình nuôi gà H’Mông theo hướng an toàn sinh học, cùng đề tài nhân rộng nuôi cá tầm thương phẩm trên địa bàn.
Một đánh giá của Sở KHCN cho biết, đa số các đề tài dự án KHCN cấp huyện hướng vào các vấn đề cấp bách trong sản xuất, đời sống của địa phương. Hầu hết các mô hình này có nguồn kinh phí không cao, trên dưới 100 triệu đồng nhưng được đầu tư vào các hộ nông dân, doanh nghiệp “đúng địa chỉ” nên khá hiệu quả về mặt kinh tế lẫn ý nghĩa xã hội, được nhiều người nông dân trong vùng đến tìm hiểu và làm theo. Có thể kể đến các đề tài mang lại hiệu quả thiết thực trong những năm qua như đề tài sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap của Bảo Lộc tại xã Lộc Sơn; mô hình nuôi heo rừng Thái Lan ở Cát Tiên; mô hình nuôi kỳ đà tại Bảo Lâm. Những mô hình này đang góp phần mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều người dân. Tại Đà Lạt, Trung tâm Ứng dụng KHCN Lâm Đồng đã hoàn thiện đề tài và chuyển giao quy trình sản xuất meo giống của ba loài nấm bào ngư cho người dân, nhằm phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các huyện, thành trong tỉnh là làm thế nào để triển khai các mô hình này đến các hộ dân trên địa bàn sử dụng. Nguyên do chính, theo ông Nguyễn Hồng Thuỷ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Lạc Dương, đơn vị chủ quản thực hiện các đề tài dự án của huyện, là vì huyện không có kinh phí cho việc triển khai nhân rộng này. Cụ thể, theo ông Thuỷ, không ít người trong vùng khi đến tham quan các mô hình này cũng “thích lắm”, nhưng ngại không đủ vốn để làm. Nếu được khuyến khích hỗ trợ thì họ sẽ mạnh dạn đầu tư hơn, nhất là vào những vật nuôi, cây trồng mới mà trước đây chưa bao giờ làm.
Trong một hội nghị sơ kết hoạt động gần đây, Sở KH CN đã phải “khẩn thiết” đề nghị lãnh đạo các huyện, thành “cần quan tâm hơn” đến hoạt động KHCN trên địa bàn mình, đặc biệt là việc nhân rộng các mô hình, đồng thời bố trí kinh phí hợp lý cho việc triển khai các đề tài dự án, nhất là kinh phí đối ứng của huyện. Cùng đó, Sở cũng đề nghị các địa phương nên tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để huy động được các đơn vị này vào cuộc như là một cách “xã hội hoá” cho việc đầu tư vào KHCN.
Viết Trọng