Thách thức Biduop - Núi Bà

11:10, 31/10/2012

(LĐ online) - Cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà đang chịu các áp lực, các mối đe dọa ảnh hưởng đến bảo tồn đa đạng sinh học.

(LĐ online) - Cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, Vườn quốc gia (VQG) Biduop-Núi Bà đang chịu các áp lực, các mối đe dọa ảnh hưởng đến bảo tồn đa đạng sinh học (ĐDSH). Để nhanh chóng phân tích, xác định các mối đe dọa ấy, ngày 30/10, Vườn đã tổ chức hội thảo khoa học giữa các chuyên gia, nhà quản lý cùng các ngành và địa phương liên quan.  

Khai thác cát là một trong những mối đe dọa đến đa dạng sinh học của VQG Biduop - Núi Bà (ảnh chụp xã Đạ Nhim)
Khai thác cát là một trong những mối đe dọa đến đa dạng sinh học của VQG Biduop - Núi Bà (ảnh chụp tại xã Đạ Nhim)


VQG Biduop-Núi Bà là một trong 3 Vườn được chọn làm thí điểm triển khai “Dự án khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam” (gọi tắt là Dự án PA). Biduop-Núi Bà hiện có 96 loài thực vật đặc hữu; 74 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam; 2 loài rất nguy cấp (CR), 32 loài nguy cấp (EN) và 23 loài sẽ nguy cấp (VU). Ở Việt Nam có 31-32 loài cây hạt trần thì Biduop-Núi Bà có 14 loài, nhưng đặc biệt, 10/14 loài trong tình trạng nguy hiểm. Hệ động vật của Vườn có 14 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 17 loài  cần quản lý nguy cấp và 213 loài trong Sách Đỏ thế giới (IUCN 2009)…

Theo Phó giám đốc VQG Bidoup-Núi Bà Đỗ Văn Ngọc, mức độ ảnh hưởng suy giảm và mất tiểu sinh cảnh của Vườn từ việc xâm lấn đất rừng làm nông nghiệp là 61-80% diện tích; khai thác gỗ trái phép 41-60%; khai thác lâm sản ngoài gỗ 41-60%; săn bắt động vật hoang dã 21-40%... Ông Ngọc nêu lên các vấn đề nóng hiện nay là: chưa có ranh giới rõ ràng trên thực địa; sức ép về kinh tế-xã hội nên người dân vùng đệm buộc nhờ vào nguồn tài nguyên rừng; khai thác quá mức lâm sản ngoài gỗ; cần có hành lang với các vùng sinh cảnh tự nhiên; duy trì tính toàn vẹn của VQG và chương trình quản lý lửa rừng chặt chẽ. Vì vậy, “Mục đích quản lý là nhằm bảo tồn hiệu quả và duy trì được tính ĐDSH và chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn của VQG; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương bằng cách khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào công tác bảo tồn”, ông Ngọc nhấn mạnh.  

Từ thực tiễn là cán bộ Vườn, ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương đóng tại Vườn, các đại biểu đã đưa đến hội thảo nhiều ý kiến về mối đe dọa ĐDSH Biduop-Núi Bà hết sức nóng. Đó là, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mặc dù là nhu cầu của xã hội nhưng sẽ tác động biên rõ rệt đối với Vườn. Giao thông, thủy điện, khai thác khoáng sản, quy hoạch du lịch, các dự án đầu tư sát Vườn… đều ảnh hưởng nặng đến bảo tồn. Nguyên nhân là do quản lý lỏng lẻo, quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu khoa học và không tôn trọng nghiêm quy định bảo tồn thiên nhiên. Quản lý vùng lõi thuộc Vườn, quản lý vùng đệm lại do các địa phương dẫn đến thiếu phối hợp chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Các diễn giả đã chứng minh một thực tế: từ khi mở đường 723 xuyên qua vùng lõi của Vườn, thú đã không còn ở ngoài nữa mà lùi vào sâu. Một thách thức khác nữa là sâu bệnh và sinh vật ngoại lai cũng được các đại biểu nêu lên cảnh báo.

Việc khai thác gỗ quý hiếm cũng là một mối đe dọa. Người dân khai thác để cung cấp cho một nhóm đối tượng. Một mối đe dọa khác là việc khai thác lâm sản ngoài gỗ như thu hái lan, mật ong, dớn, đặc biệt là phong lan…

Về cháy rừng, mỗi khi cháy rừng lớn thì không thể chữa được và ảnh hưởng rất nặng đến ĐDSH, mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới hồi phục nổi.

Đối với săn bắt động vật rừng, thói quen của đồng bào (kể cả người nhận giao khoán bảo vệ rừng) vào rừng gặp con gì bắt con đó nên dẫn đến nguy cơ không tránh khỏi tuyệt chủng. Cạnh đó, thú chơi ngông của một số người cũng gây nên hậu quả săn bắt động vật rừng. Giám đốc VQG Lê Văn Hương còn dẫn chứng đã có kẻ sử dụng súng lade (loại súng công vụ) bắn động vật VQG Biduop-Núi Bà với sức tàn phá 1 giờ sát hại 12 cá thể. Mặt khác, các cộng đồng bên ngoài vào Vườn săn bẫy thú một cách tuyệt chủng. Việc bẫy chim hiện đang báo động…

Phân tích nguyên nhân chủ yếu xâm lấn đất rừng làm nông nghiệp, các đại biểu cho rằng do thiếu đất bình quân/hộ, bình quân chỉ 1,3 ha/hộ, chủ yếu mỗi hộ 0,3-0,5ha.  Cả 2 vị chủ tịch xã Đạ Nhim, xã Lát huyện Lạc Dương đều khẳng định điều này. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng một số ít hộ dân tích tụ đất, chiếm đất bán.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân thiếu đất, nhiều đại biểu cho rằng, do phát triển nông nghiệp công nghệ cao không bài bản. Ví dụ, nuôi cá nước lạnh ngay trong vùng lõi của Vườn không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà với khoảng 100 ha chỉ chi trả cho người dân 7 triệu đồng/ha/năm, không tạo việc làm cho người dân. Cũng như nuôi cá nước lạnh, rất nhiều vùng đất các nhà đầu tư “đánh trống bỏ dùi”, để hoang không sử dụng. Trong lúc, dân số trong và ngoài Vườn vẫn tăng không ngừng; trình độ kỹ thuật canh tác thấp, thiếu vốn,…Thiếu đất, dẫn đến chặt rừng, ken rừng, vén rừng, phá toàn bộ rừng và mua bán đất… Hệ lụy là người dân lấn chiếm đất rừng, thu hái, săn bắt tài nguyên rừng gây suy giảm ĐDSH VQG Biduop-Núi Bà đang là thử thách lớn.  
   
Theo TS Nguyễn Cử- chuyên gia Dự án PA, hiện có khoảng 30 đe dọa đối với các khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới nhưng VQG Biduop-Núi Bà đã gom lại một cách khá toàn diện và phù hợp. Đây là những cơ sở để tiếp tục sắp xếp các hành động ưu tiên, các giải pháp cụ thể để xây dựng kế hoạch bảo tồn thiên nhiên; từ các đe dọa đến chỗ giảm thiểu và chấm dứt. Ông cũng đánh giá rằng: trong số gần 100 khu bảo tồn ở Việt Nam, hầu hết các kế hoạch đều do Ban quản lý khu bảo tồn lập nhưng đây là lần đầu tiên kế hoạch được xây dựng bởi sự tham gia của các bên, đặc biệt là các ngành và địa phương. Bảo tồn ĐDSH là sự chung tay của mọi người, giữa chính quyền và người dân chứ không chỉ Ban quản lý VQG./.

MINH ĐẠO