Úc có kính thiên văn lớn nhất thế giới

10:10, 08/10/2012

(LĐ online) - Úc đã đưa vào hoạt động chiếc kính thiên văn vô tuyến lớn nhất và có tốc độ xử lý dữ liệu nhanh nhất thế giới mang tên Australia Square Kilometre Array Pathfinder (ASKAP).

(LĐ online) - Mới đây, Úc đã đưa vào hoạt động chiếc kính thiên văn vô tuyến lớn nhất và có tốc độ xử lý dữ liệu nhanh nhất thế giới mang tên Australia Square Kilometre Array Pathfinder (ASKAP). Kinh phí để đầu tư chiếc kính này lên đến 155 triệu USD. 

Một anten trong hệ thống 36 anten vô tuyến ASKAP tại Shire of Murchison, Úc. Ảnh: atnf.csiro.au
Một anten trong hệ thống 36 anten vô tuyến ASKAP tại Shire of Murchison, Úc. Ảnh: atnf.csiro.au

ASKAP là một dãy gồm 36 anten vô tuyến với kích thước ngang mỗi anten khoảng 12m được đặt ở Shire of Murchison, nằm ở phía Tây nước Úc. Sở dĩ ASKAP được đặt ở Shire of Murchison vì đây là vùng gần như không có sóng vô tuyến sản sinh từ các thiết bị nhân tạo nên có thể tránh được việc nhiễu sóng, tăng thêm độ chính xác. Được biết, ASKAP chỉ vừa mới được khởi công vào năm 2009 và hoàn thành đầu năm 2012. Trạm thiên văn này chỉ có 120 nhân viên.

Được trang bị các "camera vô tuyến" thế hệ mới, ASKAP có khả năng rà quét bầu trời nhanh hơn rất nhiều so với các kính thiên văn vô tuyến hiện tại. Theo các nhà khoa học, vào ngày đầu tiên hoạt động hết công suất, lượng dữ liệu mà ASKAP thu thập nhiều hơn toàn bộ các dữ liệu thiên văn vô tuyến trên thế giới cộng lại. Qua đó có thể thấy được vai trò quan trọng của nó đối với các nghiên cứu tương lai. Trước kia, để có ảnh hoàn chỉnh của thiên hà gần nhất với Trái Đất, Centaurus A, với một lỗ đen ở giữa cần phải chụp 400 ảnh riêng lẻ trong 2 năm quan sát cùng 10.000 giờ tính toán thì nay chỉ cần chụp 2 tấm ảnh trong thời gian 5 phút cho cả việc quan sát lẫn tính toán.

Đây có thể được coi là một hệ thống khổng lồ thực hiện vai trò của một chiếc kính thiên văn bằng cách thu thập các bức xạ sóng vô tuyến thay vì sóng ánh sáng nhìn thấy như trong các kính thiên văn thông thường. Với hệ thống này, các nhà khoa học hy vọng sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về nguồn gốc các thiên hà, khảo sát vũ trụ, hay truy tìm dấu vết của các hố đen. Hiện các nhà thiên văn trên thế giới đã đăng ký lịch làm việc tại đây kín mít trong vòng 5 năm tới. Năm 2016, ASKAP sẽ trở thành một bộ phận trong hệ kính thiên văn lớn nhất thế giới mang tên Square Kilometre Array (SKA) được xây dựng tại Nam Phi.

MINH TRÍ