Đến lúc này, giá trị của cây thông đỏ dùng để bào chế nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thuốc chữa trị ung thư thì nhiều người đã rõ. Nhưng cách nay hơn hai mươi năm, rất nhiều người (trong đó có cả những cán bộ của ngành lâm nghiệp), khi nói chuyện về một giống cây lâm nghiệp có tên là “thông đỏ” chữa trị ung thư, với họ, giống như chuyện thần thoại...
Kỳ I: TS Lê Thị Xuân và mẫu lá thông đỏ mang về từ Hoa Kỳ
Đến lúc này, giá trị của cây thông đỏ dùng để bào chế nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thuốc chữa trị ung thư thì nhiều người đã rõ. Nhưng cách nay hơn hai mươi năm, rất nhiều người (trong đó có cả những cán bộ của ngành lâm nghiệp), khi nói chuyện về một giống cây lâm nghiệp có tên là “thông đỏ” chữa trị ung thư, với họ, giống như chuyện thần thoại. Và, rất có thể có nhiều người chưa biết hết chuyện đưa mẫu thông đỏ từ Mỹ về Việt Nam rồi sau đó đi tìm giống cây này cùng với việc nghiên cứu nó là một quá trình gian nan đến mức nào.
TS Lê Thị Xuân và TS Hứa Vĩnh Tùng trước vườn ươm thông đỏ ở Đà Lạt |
Tuy chưa được chính thức công nhận nhưng theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, khi nói về những người có công đầu trong hành trình đi tìm cây thông đỏ của Việt Nam trên cao nguyên Lâm Viên, phải kể đến các nhà khoa học như TS Lê Thị Xuân, TS Nguyễn Đăng Khôi, kỹ sư Đoàn Huy Tràng, TS Dương Tấn Nhựt… “Hành trình ấy thật gian nan nhưng với lòng say mê khoa học cùng với việc ý thức về tầm quan trọng của loại “thần dược” này, chúng tôi đã không ngại khó” – TS Lê Thị Xuân nói.
Đôi nét về nhà khoa học Lê Thị Xuân
Tên khoa học của cây thông đỏ là taxus wallichiana, thuộc họ Thanh tufngg – Taxaceae. Loài cây này được phân bố trên độ cao từ 1.300m – 1.700m trên cao nguyên Lâm Viên. Để có thể tạo ra một liều thuốc trị bệnh ung thư từ vỏ cây thông đỏ, phải cần sử dụng khoảng 6 cây thông đỏ trưởng thành trong tự nhiên. Trong khi đó, thông đỏ là một trong những loài cây chậm lớn nhất trái đất. |
Đọc một vài tài liệu, chúng tôi thấy người ta chỉ nhắc đến người đầu tiên đưa mẫu cây thông đỏ về Việt Nam là TS Lê Thị Xuân chứ không thấy ai nói nhiều về nữ TS này cùng với quá trình “đi tìm cây thông đỏ” của bà. Sau khi có được số điện thoại, chúng tôi quyết định bấm máy. Thì ra, chị Xuân đã về hưu và hiện đang sống tại Hà Nội. Chị Xuân hồi âm cho chúng tôi: “Chị xin lỗi em vì sự chậm trễ trả lời em. Lý do là vấn đề mà em hỏi về cây thông đỏ, với chị cũng đã lâu lắm rồi, đã hơn 20 năm… Hơn nữa, chị cũng đã nghỉ hẳn, 3 năm nay không làm việc gì nữa. Còn tài liệu thì đóng gói cất ở phòng thư viện. Lúc chuyển nhà, tài liệu lẫn lộn, tìm không ra…”. Là nói vậy thôi, chứ cuối cùng, chị Xuân cũng đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về chị, nhất là tìm hiểu về chị với tư cách là người đầu tiên đưa mẫu thông đỏ từ Mỹ về Việt Nam.
TS Lê Thị Xuân sinh năm 1939 tại Thanh Hoá. Năm 1962, chị tốt nghiệp tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Matxcơva) thuộc Liên Xô cũ. Về nước, lúc đầu chị Xuân tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó chuyển về Phòng Sinh vật thuộc Viện Khoa học tự nhiên, phụ trách tổ Sinh học thực nghiệm. Đến năm 1975, chị Xuân là một trong những người tham gia thành lập Viện Sinh vật học thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Tại Viện Sinh vật học, TS Lê Thị Xuân cùng đồng nghiệp đã nhanh chóng thành lập phòng thí nghiệm nuôi cấy mô và tế bào thực vật đầu tiên của Việt Nam dưới sự giúp đỡ của các nhà khoa học thuộc Đại học Yale Hoa Kỳ. Từ đây, chị Lê Thị Xuân mở ra các mối quan hệ với các cơ quan khoa học nước ngoài như quan hệ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu sinh học Szeged của Hunggary, với Viện Di truyền thực vật và nghiên cứu cây trồng Gatersleben của Đức, Đại học Tổng hợp Illinois của Hoa Kỳ… Trong số rất nhiều các công trình khoa học do TS Lê Thị Xuân trực tiếp thực hiện hoặc chủ trì, một công trình có liên quan đến cây thông đỏ rất đáng chú ý là công trình “Nghiên cứu sản xuất sinh khối cây dược liệu” nằm trong chương trình “Nghiên cứu đa dạng sinh học Việt Nam và Lào” hợp tác với Đại học Tổng hợp Illinois Chicago Hoa Kỳ.
Đến với thông đỏ một cách tình cờ
Chị Xuân nói: “Tôi rời nước Mỹ vào tháng 11.1990; và từ 1991 đến 1997, năm nào tôi cũng vào Đà Lạt để làm việc từ một đến hai đợt. Bởi trước đó, khi ở Mỹ về, tôi nhận “nhiệm vụ” là phải tìm cho bằng được giống cây thông đỏ hiện đang có ở Việt Nam”.
Những năm đầu 90, ở Việt Nam, không có nhiều người biết về cây thông đỏ, càng không có nhiều người biết về giá trị của nó trong bào chế thuốc chữa trị ung thư. “Còn ở Mỹ, trong những năm ấy, thông tin về việc tìm ra “nguồn” chữa được căn bệnh nan y của thế giới - bệnh ung thư - đã bắt đầu “xì” ra bên ngoài từ các nhà khoa học. Đến năm 1994, tại thị trường dược phẩm ở Mỹ đã xuất hiện một loại thuốc có tác dụng chữa trị bệnh ung thư. Điều đáng nói, thứ thuốc này được bào chế từ taxol - nguyên liệu được chiết xuất từ cây thông đỏ Hymalaya. Và, loài thông đỏ này có mặt tại Việt Nam theo một nguồn tin được công bố từ đầu những năm 30”. Nói rõ hơn, trong cuốn “Thực vật chí Đông Dương” xuất bản năm 1931, nhà thực vật học người Pháp tên là M. Hlecomte có công bố thông tin rằng tại vùng rừng thuộc cao nguyên Lâm Viên của Nam Tây Nguyên, người ta đã tìm thấy giống cây thông đỏ Hymalaya ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển.
“Đúng vào lúc trên thị trường Mỹ xuất hiện loại dược phẩm chữa trị được bệnh ung thư, tôi được một số đồng nghiệp người Mỹ giao cho mẫu lá thông đỏ cùng những dòng thông tin ngắn ngủi của nhà thực vật học người Pháp M. Hlecomte công bố trên “Thực vật chí Đông Dương” để về Việt Nam “nghiên cứu”. Về tới Hà Nội, tôi nghĩ ngay đến TS Nguyễn Đăng Khôi (lúc đó, ông là Phó TS và chuẩn bị vào Lâm Đồng nhận công tác). Anh Khôi vào đến Lâm Đồng đã giao ngay cho một người thường xuyên đi rừng và nguyên là cán bộ của Phân viện Sinh học Đà Lạt (tiền thân của Viện Sinh học Tây Nguyên ngày nay) là anh Đoàn Huy Tràng. Anh Tràng là người có công lao rất lớn trong việc đi tìm cây thông đỏ ở rừng Lâm Đồng theo mẫu lá do tôi mang từ Mỹ về…”.
Cũng chính vì vậy, suốt trong các năm từ 1991 - 1997, năm nào nhà khoa học Lê Thị Xuân cũng đều có mặt ở Đà Lạt theo “hành trình tìm cây thông đỏ” trên cao nguyên Lâm Viên, trong đó có cả những chuyến lội rừng cùng các nhà khoa học nước ngoài và tất nhiên là cả các nhà khoa học chuyên ngành trong nước.
Kỳ II: Kỹ sư Đoàn Huy Tràng với những chuyến lội rừng tìm “thần dược”
Khắc Dũng