Mới đây, lần theo thông tin của một cán bộ khoa học của Viện Sinh học Tây Nguyên, chúng tôi đã tìm đến một căn nhà nhỏ nằm trong góc khuất trên đường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) để gặp ông – người đầu tiên thực hiện chuyến lội rừng tìm cây thông đỏ ở Lâm Đồng.
[links()]Đọc các tài liệu liên quan đến vấn đề cây thông đỏ Lâm Đồng do một số cơ quan chuyên môn cung cấp, chúng tôi không mấy khi bắt gặp cái tên Đoàn Huy Tràng, một trong những “cán bộ bình thường” (như cách nói của ông) của Phân viện Sinh học Đà Lạt (nay là Viện Sinh học Tây Nguyên). Mới đây, lần theo thông tin của một cán bộ khoa học của Viện Sinh học Tây Nguyên, chúng tôi đã tìm đến một căn nhà nhỏ nằm trong góc khuất trên đường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) để gặp ông – người đầu tiên thực hiện chuyến lội rừng tìm cây thông đỏ ở Lâm Đồng.
Đi tìm người đầu tiên đi tìm cây thông đỏ
Ông Đoàn Huy Tràng (bìa trái) là người đầu tiên tìm ra cây thông đỏ ở Lâm Đồng để phục vụ nghiên cứu khoa học |
Ngồi trước mặt chúng tôi là một người đàn ông có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhạy. Tuổi đã 62 nhưng trông ông Đoàn Huy Tràng vẫn chưa có biểu hiện gì của hiện tượng “về già”. “Tôi giờ vẫn thường xuyên đi rừng đấy! Mình là người chơi hoa lan xưa nay mà! Hơn nữa, vắng rừng, nhớ kinh khủng! Cả những khi không có gì thật cần thiết, tôi vẫn cố tìm cách vào rừng để mà “sống” với nó, hít thở cùng nó…” – ông Tràng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi không phải với đề tài thông đỏ mà là chuyện… lan rừng. Mãi sau, ông mới bảo: “Chuyện đi rừng tìm thông đỏ thì có gì đáng nói. Bởi đó chỉ là chuyện đi theo yêu cầu của các nhà khoa học thôi mà…”.
Trước khi đến nhà tìm ông Tràng, trong đầu chúng tôi cứ… đau đáu một chuyện: Phải có người đầu tiên lội rừng để tìm loại “thần dược” này chứ? Tại sao trong hầu hết các tài liệu đều không nhắc đến chuyện này? Và thế là chúng tôi đã tìm đến Viện Sinh học Tây Nguyên để hỏi chuyện TS Dương Tấn Nhựt – Viện phó. TS Dương Tấn Nhựt cung cấp ngay thông tin: “Người đầu tiên đi tìm cây thông đỏ trong rừng là kỹ sư Đoàn Huy Tràng. Ông Tràng hiện đã về hưu và sống trên đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Đây là số điện thoại di động của ông Tràng…”. Như vậy, với sự xác nhận của TS Dương Tấn Nhựt, chúng tôi tin rằng nhân vật đầu tiên lội rừng tìm thông đỏ ở Lâm Đồng mà chúng tôi đang “truy lùng” – ông Đoàn Huy Tràng – là không nhầm lẫn, sẽ khó có chuyện tranh chấp “bản quyền tìm thông đỏ” về sau này nếu chuyện “tranh chấp” ấy giả dụ có xảy ra. Bởi vậy, khi ngồi đối diện với nhân vật Đoàn Huy Tràng tại nhà riêng của ông, chúng tôi không mất quá nhiều thời gian để thẩm định thông tin “người đầu tiên đi tìm thông đỏ” nữa. Với lại sau đó, khi liên hệ được với TS Lê Thị Xuân ở Hà Nội, chị Xuân cũng đã xác nhận điều đó nên chúng tôi càng tin chắc rằng ông Tràng là người đầu tiên lội rừng tìm cây thông đỏ theo hướng dẫn của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Lội rừng tìm “thần dược”
Ông Tràng bảo: “Những năm ấy, không có mấy ai biết cây thông đỏ là gì, càng không biết về giá trị của nó. Do vậy, khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng thấy lo lo. Tuy nhiên, khi nhớ lại mấy chuyến đi rừng cùng với một số nhà khoa học của Nga (Liên Xô cũ), tôi mang máng rằng mấy vị ấy có nói đến cây thông đỏ có giá trị lớn lắm hiện có ở rừng Lâm Đồng”.
Kỹ sư Đoàn Huy Tràng kể lại: “Hồi ấy, ông Khôi, Viện trưởng, gọi tôi lên và đưa cho một tài liệu photo cùng mẫu lá thông đỏ và bảo tôi đi tìm thứ cây này trong rừng Lâm Đồng “ở độ cao 1.500m”. Tôi nghĩ, nếu là rừng Lâm Đồng ở độ cao 1.500m thì chỉ Đà Lạt và vùng phụ cận của Đà Lạt là Lạc Dương hoặc Đơn Dương. Xác định ngay điều đó nên tôi đã nhờ hai người dân tộc thiểu số địa phương dẫn đường… Nói thật, ngày ấy (những năm đầu 90), ở Lâm Đồng, không mấy người rõ về cây thông đỏ. Bởi vậy, công cuộc tìm kiếm loài cây này chắc chắn là không mấy thuận tiện”. Theo lời kể của ông Tràng, sau khi nghiên cứu kỹ mẩu thông tin trong một tạp chí của Pháp và cố hình dung giống cây này từ mẫu lá do TS Lê Thị Xuân mang về từ Mỹ, ông đã “chấm toạ độ” một vài khu vực rừng ở Lâm Đồng cần tìm đến. “Trước lúc đi rừng, tôi đã tìm đến một vài buôn làng người dân tộc thiểu số địa phương với mẫu vật trên tay để hỏi bà con rằng họ có biết về cây này ở trong rừng không. Có không ít cái lắc đầu. Và rồi, cuối cùng, rất may là tại huyện Đơn Dương, tôi nhận được một cái gật đầu của một người đàn ông chuyên đi rừng. Và thế là tôi nhờ một vài người trong buôn dẫn đường…” – ông Tràng nhớ lại. Sau nhiều ngày băng rừng, ngủ rừng với không ít cực nhọc, cuối cùng, nhóm của ông Tràng đã tìm thấy một cây thân mộc có lá giống như mẫu lá do TS Xuân mang về. Mẫu lá được gửi sang Mỹ. Thông tin phản hồi từ các nhà khoa học Mỹ: Đúng là cây thông đỏ! “Chúng tôi mừng đến rơi nước mắt!” – ông Tràng nói.
Về sau, các nhà khoa học người Mỹ tiếp tục nhờ ông Tràng lấy thêm cho 10 mẫu vật thông đỏ ở rừng Lâm Đồng (sự nhờ cậy này thông qua TS Lê Thị Xuân ở Hà Nội như bài trước chúng tôi đã đề cập). Ông Tràng kể tiếp: “Lại thêm một chuyến lội rừng. Nhưng lần này thì có phần dễ dàng hơn. Vào rừng, tôi lấy mẫu 10 cây thông đỏ cho vào bịch nilon cùng những thông tin cần thiết rồi gửi ra Hà Nội cho TS Xuân để TS Xuân gửi sang Mỹ. Và cũng như lần trước, kết quả thông tin phản hồi từ các nhà khoa học người Mỹ là 8 trong 10 mẫu thông đỏ ở Lâm Đồng chiết tách được taxol để làm nguyên liệu trong bào chế thuốc chữa trị bệnh ung thư”. Ngừng một chút, rồi ông Tràng tiếp tục câu chuyện với tâm trạng buồn vui lẫn lộn: “Trong 10 mẫu thông đỏ do tôi hái về rồi chuyển sang bên Mỹ thì có một mẫu chiết tách được “chất” 10-deacetyl baceatin III chuyển hoá taxol cao nhất thế giới. Thông tin này được các nhà khoa học Mỹ cung cấp và đề nghị Việt Nam nên giữ cho bằng được cá thể thông đỏ ấy. Nhưng rất tiếc, chỉ vài năm sau, khi tôi trở lại vùng rừng đã lấy mẫu thông đỏ ấy, cá thể thông đỏ kia đã bị đốn đến tận gốc!”.
Lúc này, việc nhân giống cây thông đỏ đã trở nên khá dễ dàng. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học chuyên ngành, giống cây thông đỏ có “chất” 10-deacetyl baceatin III chuyển hoá taxol cao nhất thế giới” ấy đã không còn!
Khắc Dũng