Hội thảo Công nghệ thông tin 2012

09:12, 15/12/2012

(LĐ online) - Nghiên cứu cơ bản để phát triển công nghệ thông tin một cách bền vững, làm nền tảng lâu dài trong nghiên cứu và đào tạo. Nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ để khai thác các kết quả nghiên cứu cơ bản, tăng hiệu suất lao động, mang lại tiện ích trong nghiên cứu, giảng dạy, quản lý… Đấy là mục đích của Hội thảo...

(LĐ online) - Nghiên cứu cơ bản để phát triển công nghệ thông tin một cách bền vững, làm nền tảng lâu dài trong nghiên cứu và đào tạo. Nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ để khai thác các kết quả nghiên cứu cơ bản, tăng hiệu suất lao động, mang lại tiện ích trong nghiên cứu, giảng dạy, quản lý… Đấy là mục đích của Hội thảo Công nghệ thông tin giữa các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và ban, ngành diễn ra tại Trường Đại học Đà Lạt ngày 15/12.

Hội thảo có 34 báo cáo khoa học tóm tắt của các nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt… Đây là những đề tài nghiên cứu trong năm 2012 về công nghệ thông tin trên cả 2 phương diện lý thuyết và ứng dụng. Hội thảo do các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin điều hành như PGS, TSKH Nguyễn Xuân Huy, PGS, TS Lê Hoài Bắc, TS Trương Chí Tín, TS Nguyễn Thị Minh Huyền. Tham dự Hội thảo có hơn 120 đại biểu là nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, doanh nhân và sinh viên công nghệ thông tin của nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc.  

Mở đầu Hội thảo là 2 đề tài thời sự và có tính ứng dụng cao, thu hút nhiều đại biểu trao đổi sôi nổi, đó là “Khoa học Web” của PGS, TS Lê Hoài Bắc (ĐHKHTN TP. HCM) và “Một số vấn đề về xử lý ngôn ngữ tự nhiên” của TS Nguyễn Thị Minh Huyền (ĐHKHTN Hà Nội). Tiếp theo, Hội thảo chia làm 2 tiểu ban nội dung: Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo và Hệ thống thông tin, Mạng và truyền thông. Theo đó, có nhiều báo cáo thể hiện công phu trong nghiên cứu và bước đầu giải đáp được những vấn đề lý thú của lý thuyết cũng như nhu cầu ứng dụng đòi hỏi từ thực tiễn. Đó là: “Quan hệ giữa các tập đóng và tập sinh”; “Một số thuật toán hiệu quả  khai thác các tập phổ biến chứa tập thuộc tính ràng buộc”; “Xây dựng hệ thống dự báo ra quyết định điện toán đám mây”; “Định lý tương đương cho phụ thuộc sai khác tổng quát trong cơ sở dữ liệu”; “Xây dựng công cụ tóm tắt văn bản tiếng Việt tự động”; “Ứng dụng Fpga trong thiết kế CPU theo kiến trúc Mips”; “Hệ thống thông tin địa lý tích hợp quản lí kết cấu  hạ tầng thành phố Cần Thơ”; “Truy vấn ảnh dựa trên độ đo mờ Hamming”; “Sử dụng một số thuật toán tìm chuỗi signature để phân tích và phát hiện xâm nhập trong hệ thống mạng”; “Phương pháp giấu tin trong đối tượng lưới 3D bằng cách sắp xếp lại thứ tự biểu diễn đỉnh”;…

Trong 34 báo cáo khoa học, có 18 báo cáo được hội đồng phản biện khoa học các chuyên ngành đánh giá cao.

Minh Đạo