Nhà sư nhận bằng Sáng chế độc quyền Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô

09:12, 09/12/2012

(LĐ online) - Sáng ngày 9/11, đại diện Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang (Hồ Tuyền Lâm, phường 3, Đà Lạt) cho biết, hiện công ty đã trồng thử nghiệm thành công cây sâm Ngọc Linh nhân giống bằng nuôi cấy mô ở khu vực Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt).

(LĐ online) - Sáng ngày 9/11, đại diện Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang (Hồ Tuyền Lâm, phường 3, Đà Lạt) cho biết, hiện công ty đã trồng thử nghiệm thành công cây sâm Ngọc Linh nhân giống bằng nuôi cấy mô ở khu vực Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt). Cùng đó, công ty cũng đã gửi giống ra trồng thử ở vùng Khe Sanh (Quảng Trị), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai), tất cả đều phát triển và mang lại kết quả tốt. Từ đó, công ty đã hoàn thiện chương trình trồng, đăng ký bằng Sáng chế độc quyền và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp bằng sáng chế độc quyền Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô.

Bằng Sáng chế độc quyền này được trao cho ông Nguyễn Văn Sáu (tục danh của nhà sư Thích Huệ Đăng), Giám đốc công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang nhằm bảo hộ quy trình trồng sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô của ông trong vòng 20 năm kể từ ngày cấp.

Theo tài liệu khoa học, Sâm Ngọc Linh tự nhiên thường mọc và phát triển dưới tán rừng ở độ cao 1.200 mét đến 2.100 mét so với mực nước biển. Chúng được phát hiện mọc dày, phát triển tốt và cho chất lượng sâm tốt nhất ở vùng núi Ngọc Linh (Kom Tum) và một vài ngọn núi khác ở miền Trung.

Ông Thích Huệ Đăng bắt đầu nhân giống và trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô vào cuối năm 2008, từ một củ sâm lấy từ núi Ngọc Linh.

Nhà sư Thích Huệ Đăng là một trong những người đầu tiên nghiên cứu và nhân giống thành công cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô. Hiện, công ty do ông làm giám đốc đã sản xuất được khoảng 1 triệu cây giống sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô. Một phần số giống này được ông trồng tại Đà Lạt cho kết quả tốt

Nguyễn Nghĩa