Từ chỗ chỉ có Công ty Cổ phần Chè Minh Rồng hái chè búp tươi bằng máy, hiện ngày càng có nhiều nông dân cũng đã sử dụng máy hái chè.
Từ chỗ chỉ có Công ty Cổ phần Chè Minh Rồng hái chè búp tươi bằng máy, hiện ngày càng có nhiều nông dân cũng đã sử dụng máy hái chè.
Thu hái chè bằng máy tại Bảo Lộc |
Từ tháng 7/2010, Công ty CP Chè Minh Rồng đã triển khai mô hình sản xuất chè “an toàn” theo hướng áp dụng cơ giới hoá trong khâu thu hoạch chè búp tươi. Từ chỗ chỉ áp dụng trên diện tích 5 ha, đến nay, Công ty đã nhân rộng sử dụng cơ giới trên diện tích gần 160 ha; trong đó, có 40 ha chè ô long. Kết quả cho thấy, năng suất chè tăng 10%, giảm 50% số lần phun thuốc trừ sâu, giảm hơn 50% chi phí nhân công thu hái. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng 15%. Từ những thành công đó, mô hình hái chè bằng máy đã được nhiều nông dân bắt đầu áp dụng.
Lâm Đồng là địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước. Diện tích này tập trung chủ yếu ở thành phố Bảo Lộc (gần 9.000 ha) và huyện Bảo Lâm (hơn 13.000 ha). Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết: Hiện, số lượng người dân sử dụng máy hái chè còn ít so với diện tích. Nhiều hộ dân rất muốn áp dụng cơ giới hoá trong việc thu hái, nếu được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ mua máy hái chè. Tuy nhiên, trở ngại hiện tại là vấn đề kỹ thuật bà con chưa nắm bắt được. Trong khi đó, theo Hội Nông dân TP Bảo Lộc, hiện có nhiều nông dân đã chủ động mua sắm máy móc để thu hái chè. Do chi phí mua máy khá cao nên có nhiều hộ dân cùng góp tiền để mua máy dùng chung. Ngoài việc chủ động mua máy hái chè, hiện một số hộ dân tại Bảo Lộc còn được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ mua máy từ Dự án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác và áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất chè” do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng triển khai từ năm 2011. Đây là dự án thuộc chương trình khuyến nông Trung ương giai đoạn 2011-2013, tiến hành tại 17 tỉnh có sản xuất chè của cả nước. Đến nay, khoảng 200 nông dân tại phường Lộc Phát, Lộc Sơn và xã Đại Lào, Lộc Châu được hướng dẫn kỹ thuật hái, đốn chè bằng máy. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân tại các xã, phường này cũng đã được hỗ trợ mua máy đốn, hái chè và phun xịt thuốc.
Để có thể áp dụng hiệu quả máy hái chè, người nông dân phải tiến hành tạo tán cho vườn chè với chiều dài hàng không quá 50 m và thường xuyên làm sạch cỏ, không để cỏ cao hơn mặt tán chè. Khi thu hái chè bằng máy cần lưu ý ở lứa hái đầu tiên nên nâng độ cao trên vết đốn sửa mặt tán từ 4-5 cm để nuôi tầng lá dưỡng. Trước khi hái bằng máy từ 7-10 ngày cần hái những búp vượt trước để đảm bảo búp chè thu hái được đồng đều. Sau khi hái bằng máy nên hái lại bằng thủ công ở những cành biên còn sót. Tuy nhiên, việc hái chè bằng máy cũng có nhược điểm là tỷ lệ lẫn lá già, lá vụn, cỏ dại… luôn cao hơn so với cách thu hái thông thường.
Cùng với việc nâng cao chất lượng nguyên liệu chè bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình chăm sóc VietGap và GlobalGap, thì việc đưa cơ giới vào chăm sóc, thu hái chè đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất một cách đáng kể, nhất là khi vùng chè Bảo Lộc và Bảo Lâm đang trở thành vùng nguyên liệu chính, cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến.
ĐÔNG ANH