Sự cấp thiết quản lý tri thức hạt nhân

04:12, 19/12/2012

(LĐ online) - Quản lý tri thức hạt nhân đang nổi lên như một thách thức gia tăng trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia chưa phát triển ngành điện hạt nhân. Đây cũng là lý do Hội thảo “Ứng dụng phương pháp quản lý tri thức của IAEA” giữa các nhà khoa học, quản lý, đào tạo ngành hạt nhân diễn ra tại Đà Lạt, ngày 19/12.

(LĐ online) - Quản lý tri thức hạt nhân đang nổi lên như một thách thức gia tăng trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia chưa phát triển ngành điện hạt nhân. Đây cũng là lý do Hội thảo “Ứng dụng phương pháp quản lý tri thức của IAEA” giữa các nhà khoa học, quản lý, đào tạo ngành hạt nhân diễn ra tại Đà Lạt, ngày 19/12.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Thực tế cho thấy, nhu cầu gìn giữ và chuyển giao tri thức hạt nhân được pha trộn bởi những xu hướng gần đây như tình trạng già đi của lực lượng nhân lực hạt nhân, giảm số lượng sinh viên trong các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân và mối đe doạ mất tri thức hạt nhân đã được tích luỹ ngày càng hiện hữu trong cộng đồng hạt nhân. Nhận thức được những thách thức này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đẩy mạnh “văn hoá quản lý tri thức” thông qua các hoạt động.

Mục tiêu đặt ra là: Lưu giữ những kinh nghiệm và các năng lực hiện có cho giai đoạn 50 năm, đặc biệt là ở những nước chưa lập kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới; Xây dựng năng lực và những kỹ năng mới trong các lĩnh vực chấm dứt hoạt động và quản lý chất thải phóng xạ khi ngành hạt nhân trở nên không thu hút giới trẻ ở nhiều nước công nghiệp.

Đánh giá về cán bộ lĩnh vực sản xuất đồng vị phóng xạ, ông Lương Bá Viên – Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết, ở Việt Nam hầu như chưa có một trường đại học nào, chưa có một khoá đào tạo nào về sản xuất đồng vị phóng xạ, trên thế giới thì rất ít cho nên dẫn đến tình trạng là cán bộ trẻ từ việc tốt nghiệp không đúng chuyên ngành và khi vào làm việc chỉ có học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tự tìm tòi qua các tài liệu.

Chánh văn phòng Cục Năng lượng nguyên tử Nguyễn Thị Yên Ninh, chủ nhiệm đề án khoa học “Ứng dụng phương pháp quản lý tri thức của IAEA”, (thực hiện trong 2 năm 2012-2013) cho rằng: Việc quản lý tri thức hạt nhân tại Việt Nam chưa được áp dụng một cách hệ thống, chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp, lộ trình cho việc phát triển ứng dụng quản lý tri thức hạt nhân. Phát triển nguồn nhân lực hạt nhân là một nhiệm vụ cấp bách, việc quản lý tri thức hạt nhân là yếu tố quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực điện hạt nhân.
 
Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, khi Chính phủ đã ban hành Chiến lược ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử (NLNT) đến năm 2020, phê duyệt Định hướng phát triển điện hạt nhân đến năm 2030 trong đó xác định rõ mục tiêu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào những năm 2020, nhu cầu về nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân đã trở thành một vấn đề cấp bách. Trong khi đó, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này đa số đã hoặc sắp nghỉ hưu, việc thu hút nhân lực trẻ, nhân lực có chất lượng cao bổ sung vào đội ngũ cán bộ ngành NLNT cũng còn là một thách thức. Chính vì vậy, việc xác định, thu thập, kiểm chứng, lưu giữ, chia sẻ và chuyển giao những tinh hoa kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực NLNT càng trở nên vô cùng cần thiết.

Theo bà Ninh, nội dung cần đặt ra là: Nghiên cứu phương pháp luận và hướng dẫn của IAEA về quản lý tri thức hạt nhân; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý tri thức hạt nhân; Nghiên cứu khả năng áp dụng phương pháp quản lý tri thức của IAEA vào thực tiễn vận hành, khai thác và sử dụng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; Nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu về phương pháp, hướng dẫn của IAEA về quản lý tri thức hạt nhân bằng tiếng Việt; Đề xuất, kiến nghị về sự cần thiết và khả năng áp dụng phương pháp quản lý tri thức của IAEA vào thực tiễn ngành NLNT ở Việt Nam…

PGS, TS Nguyễn Nhị Điền - Phó Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nhấn mạnh: Rủi ro khi thiếu hụt tri thức có thể gây hậu quả nghiêm trọng khó lường, đặc biệt là trong vận hành và khai thác các thiết bị hạt nhân. Nếu có những hạn chế trong thiết kế mà cộng thêm sơ suất và hiểu biết không đầy đủ của người vận hành thì gây nên hậu quả còn nghiêm trọng hơn.

Để gia tăng tri thức hiện có, việc tự đào tạo liên tục của cá nhân, đào tạo trong nhóm làm việc theo công việc và tham gia học tập theo chương trình đào tạo của cơ quan vận hành là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cơ quan vận hành lò phản ứng phải có các chương trình để giành lấy, lưu giữ và gọi ra thông tin/tri thức.Trong 2 loại tri thức (tri thức hiện và tri thức ngầm) thì tri thức ngầm rất quý nhưng rất dễ mất đi nếu không được chuyển thành tri thức hiện. “Thu lấy tri thức ngầm là một trong những phần quan trọng của việc bảo tồn tri thức hạt nhân”, PGS Điền kết luận. Theo đó, ông cho rằng có 6 bước để giành lấy tri thức ngầm, gồm: Xác định người chuyển đi; phân tích rủi ro; phát triển kế hoach chuyển tiếp cá nhân; giành lấy tri thức; đồng hoá thông tin và chuyển giao tri thức.   

Minh Đạo