Ở Lâm Đồng, chương trình CNSH có sự tham gia của nhiều trường đại học và cao đẳng, các trung tâm hoạt động trên lĩnh vực nông lâm nghiệp, các doanh nghiệp thuộc các ngành sinh học, nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế… và kết quả mang lại là rất đáng ghi nhận.
Cùng với cả nước, Lâm Đồng đang triển khai một chương trình thể hiện sự phát triển bền vững theo chủ trương của Chính phủ là chương trình công nghệ sinh học (CNSH). Trên tinh thần đó, không chỉ dừng lại ở việc tiến hành nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi CNSH trên nhiều lĩnh vực mà với tầm nhìn xa của mình, Lâm Đồng cũng đã chủ động thành lập một trung tâm CNSH và nông nghiệp hiện đại tại Đà Lạt với mục tiêu đặt ra là “Nghiên cứu, tiếp nhận, thực nghiệm các công nghệ tiên tiến về công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao…”.
Phân loại cây giống lai tạo ở Công ty hoa xuất khẩu Thanh Quang Đà Lạt. |
Ở Lâm Đồng, chương trình CNSH có sự tham gia của nhiều trường đại học và cao đẳng, các trung tâm hoạt động trên lĩnh vực nông lâm nghiệp, các doanh nghiệp thuộc các ngành sinh học, nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế… và kết quả mang lại là rất đáng ghi nhận. Sản phẩm từ ứng dụng CNSH ở Lâm Đồng mang lại trong những năm qua cũng rất đa dạng như rau hoa, dược liệu, cây lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, cá đặc sản, động vật rừng hoang dã, sản xuất vacxin, thực phẩm chức năng… Hơn thế, trong thời gian gần đây, không chỉ nghiên cứu và ứng dụng CNSH trên các lĩnh vực dường như đã quen thuộc mà Lâm Đồng còn mạnh dạn ứng dụng trên nhiều lĩnh vực mới như công nghệ giá thể tổng hợp, công nghệ thuỷ canh, công nghệ điều tiết chiếu sáng và dinh dưỡng, công nghệ chuyển gene…
Trong chương trình phát triển CNSH ở Lâm Đồng, thời gian qua, nổi bật nhất là công nghệ nuôi cấy in vitro mô tế bào và tạo phôi thực vật ở nhiều nhóm cây trồng. Trên lĩnh vực này, đơn vị đi tiên phong phải kể đến là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với công nghệ sinh học thực vật kết hợp kỹ thuật hạt nhân trong nuôi cấy và chiếu xạ khoai tây, dâu tằm, hoa cúc…; trong bảo tồn đông lạnh các nguồn gene thực vật như chuối, mía, khoai sọ…; trong gây tạo và chọn lọc nhiều đột biến trong hệ thống nuôi cấy in vitro đối với hoa forget me not… Bên cạnh Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, sự “vào cuộc” ở lĩnh vực in vitro của Viện Sinh học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin, các trung tâm rau, hoa, cây ăn quả… cũng đã mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận như bảo tồn nguồn gene của hơn 200 loài lan, đưa công nghệ nuôi cấy mô hiện đại theo hệ thống bioreacto để lai tạo giống… Trong CNSH vi sinh ứng dụng trên lĩnh vực nông nghiệp và y dược thời gian qua, đáng kể là chương trình nghiên cứu vi sinh nông nghiệp và đa dạng vi sinh đất nông nghiệp Lâm Đồng (nhất là các lĩnh vực hẹp như nghiên cứu nhóm Azotobacter spp. cố định đạm, phân giải nông dược…), chương trình lên men sinh khối trong sản xuất thức ăn cho gia súc…; đó còn là chương trình nghiên cứu vi sinh y học ở các lĩnh vực công nghệ sản xuất vaccine thế hệ I (truyền thống) và thế hệ II (Polysaccharides) và nhiều sinh phẩm khác.
Một trong những lĩnh vực khác về triển khai chương trình nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong thời gian gần đây ở Lâm Đồng cần phải kể đến là công nghệ nấm ký sinh trùng đối với đông trùng hạ thảo tại TP Bảo Lộc. Cũng nên nhấn mạnh rằng, Lâm Đồng - Tây Nguyên là nơi có rất nhiều loài nấm côn trùng (insect fungi, có thể so sánh với khu hệ Thái Lan với hơn 600 loài) và trong đó có không ít loài có thể nuôi trồng thành đông trùng hạ thảo - một dược phẩm quý của thế giới, nhất là với các nước châu Á. Bên cạnh đó, công nghệ nấm linh chi Ganoderma lucium Dalat và các ứng dụng trị liệu trong những năm qua được triển khai bởi nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học và nhiều cơ sở ứng dụng ở Lâm Đồng đã góp phần đáng kể vào việc đưa sản phẩm linh chi dược liệu lên thành hàng hóa và đủ sức cạnh tranh với thứ hàng hoá cùng loại trên thị trường thế giới. Chưa hết, những thành tựu trong CNSH ở Lâm Đồng những năm gần đây còn phải kể đến đó là công nghệ xử lý vi sinh bằng bức xạ trong bảo quản lương thực, thực phẩm, trong tiệt trùng vật tư và vật phẩm y dược của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Chiếu xạ Bảo Lộc.
Dưới một góc độ khác, những thành quả của CNSH Lâm Đồng còn có thể được nhìn nhận qua việc thành lập tại Đà Lạt một trung tâm CNSH và nông nghiệp hiện đại - “Trung tâm Công nghệ sinh học và nông nghiệp hiện đại Đà Lạt”. Theo đó, với nguồn vốn khoảng 2.000 tỷ đồng và với việc ban hành quyết định thành lập hồi tháng 3.2011 (Quyết định 698/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng), tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 20km), một trung tâm chuyên “nghiên cứu, tiếp nhận, thực nghiệm các công nghệ tiên tiến về công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ; sản xuất và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nói chung và cho tỉnh Lâm Đồng nói riêng” hiện đang thành hình hài. Cũng cần nói thêm, Trung tâm CNSH và nông nghiệp hiện đại Đà Lạt được chia thành 4 khu vực, gồm khu vực điều hành và giao dịch; khu vực hoạt động nghiên cứu và ứng dụng; và các khu vực hỗ trợ khác. Trong đó, khu vực hoạt động và nghiên cứu được xem là “trung tâm điểm” của Trung tâm với những trung tâm chức năng như Trung tâm Liên hợp các phòng thí nghiệm, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng, Trung tâm Nghiên cứu CNSH và NN CNC, Khu Trình diễn sản xuất NN CNC, Trung tâm Bảo tồn nguồn gen và sản xuất - nhân giống chất lượng cao… Theo kế hoạch đề ra cho Trung tâm CNSH và nông nghiệp hiện đại Đà Lạt, trong hai năm từ 2011 – 2012, Lâm Đồng đã tập trung vào việc giải phóng mặt bằng và đầu tư các hạng mục quan trọng như giao thông, điện thoại, điện thắp sáng và sản xuất, khu hành chính… Bắt đầu từ 2013 này đến năm 2016, cùng với việc hoàn thiện các công trình đầu mối, Trung tâm cũng sẽ được dần hình thành các phân khu chức năng, các trung tâm con của các phân khu; hình thành các viện, trường, cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư… Và, từ 2016 đến 2020 là giai đoạn Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động một cách ổn định.
Có thể nói, Lâm Đồng là số ít địa phương trong cả nước có lợi thế về CNSH nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Xác định đây là một trong những chiếc chìa khoá để mở ra một chương trình phát triển bền vững trong tương lai, Lâm Đồng đã, đang và sẽ ưu tiên cho chương trình phát triển CNSH trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng đặc biệt đến lĩnh vực NN CNC. Và, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để CNSH phát huy hiệu quả cao hơn nữa, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho Lâm Đồng là tiếp tục phát triển ứng dụng CNSH dựa trên nền tảng của sự đa dạng sinh học hướng đến mục tiêu phục vụ nền sản xuất NN CNC; tăng cường hơn nữa các chương trình ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp; và đặc biệt là tiếp cận, tiếp thu và chọn lọc có tính chất đón đầu những công nghệ hiện đại và có tầm chiến lược về sinh học phân tử như công nghệ gene và sinh vật chuyển gene hướng tới sản xuất công nghiệp các sản phẩm nông nghiệp, y dược, năng lượng sinh học và vật liệu mới… trên nền tảng đa dạng sinh học và khai thác ứng dụng kỹ thuật nano và kỹ thuật hạt nhân kết hợp…
Khắc Dũng