“Điều tra, đánh giá, phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng” do Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà chủ trì, kỹ sư Tôn Thất Minh chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cách đây 3 năm đã đưa ra nhiều thông tin bổ ích.
“Điều tra, đánh giá, phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng” do Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà chủ trì, kỹ sư Tôn Thất Minh chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cách đây 3 năm đã đưa ra nhiều thông tin bổ ích.
Trước đó các công trình nghiên cứu về nấm tại Lâm Đồng mang tính nhỏ lẻ, tự phát, cho nên cần có đề tài nghiên cứu kỹ lưỡng. Đề tài nghiên cứu này tập trung vào điều tra các loài nấm cộng sinh ngoại bì (nấm ăn được và nấm độc) ở vùng phân bố tập trung thông ba lá tự nhiên tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà. Bước đầu phát hiện và mô tả được 6 bộ, 12 họ, 23 chi và 65 loài với 30 loài nấm ăn được và 35 loài nấm độc. Trong đó có 2 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam là nấm thông Boletus edulis và nấm loa kèn cantharellus cibarius. Xây dựng bộ mẫu vật với 23 mẫu khô, 54 mẫu tươi. Đề tài đóng góp cơ sở dữ liệu làm tiền đề để xây dựng cẩm nang các loài nấm ăn được và nấm độc cho Lâm Đồng.
Ths-Ks Tôn Thất Minh và Ts Lê Xuân Thám trong một chuyến đi thực địa nghiên cứu về nấm dưới tán rừng thông |
Thạc sĩ - kỹ sư Tôn Thất Minh đã tiến hành phân lập và nhân giống thành công 3 loài nấm ăn được là Dẻ xanh Russula virescens, Dẻ đỏ Russula paludosa và Kaki nâu Suillus luteus trên môi trường PGA cải tiến. Đưa ba loài nấm từ phòng thí nghiệm ra thực địa (xâm nhiễm). Tuy nhiên, thời gian nghiên cứu ngắn nên cần có những nghiên cứu tiếp theo về cơ chế cộng sinh giữa hệ sợi nấm và rễ cây chủ, nghiên cứu thêm về chu trình sống của một số loài nấm cộng sinh ngoài tự nhiên nhằm nắm vững cơ chế sinh trưởng và phát triển của chúng trong thiên nhiên. Qua nghiên cứu đề tài cho thấy Lâm Đồng có tính đa dạng sinh học cao về các loại nấm nói chung và nấm cộng sinh nói riêng. Kết quả xâm nhiễm bước đầu cho thấy khả năng phát triển nuôi trồng một số loài nấm cộng sinh trong tự nhiên để phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gen và tăng nguồn lợi từ rừng nên cần đầu tư xây dựng thêm mô hình để đưa vào sản xuất thử nghiệm trên địa bàn Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà. Đề tài cũng kiến nghị nên đưa chương trình nghiên cứu nấm vào Chương trình đa dạng sinh học của tỉnh Lâm Đồng và cần tập hợp lực lượng chuyên gia vào chương trình đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về tài nguyên nấm để góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cho Lâm Đồng.
Tham vọng của đề tài nghiên cứu khá lớn: Điều tra khu vực phân bố các loài nấm ăn được và nấm độc dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng; mô tả, định danh, phân loại và xác định các loài nấm ăn được và nấm độc dưới tán rừng thông; xây dựng quy trình trồng một số loài nấm ăn có giá trị trong điều kiện nhân tạo và bán nhân tạo; xây dựng bộ sưu tập nấm ăn được bằng hình ảnh minh hoạ và mô tả chi tiết từng loài. Thạc sĩ – kỹ sư Minh cho biết quá trình nghiên cứu đề tài được TS Lê Xuân Thám (Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng) cố vấn khoa học quan tâm nhiều và cùng đồng hành trong những chuyến lội rừng cho đến lúc nghiệm thu đề tài đó là nguồn động viên lớn. Anh cho biết: “Khó nhất khi thực hiện đề tài là khâu xâm nhiễm: đưa mẫu từ phòng thí nghiệm ra môi trường. Khi ra thực địa, tuần nào cũng phải bám liên tục, theo dõi, đo đếm, vì nấm mọc mau tàn chỉ trong vài ba ngày”.
Thạc sĩ Tôn Thất Minh, sinh năm 1967, ở Đà Lạt. Anh học chuyên ngành Lâm nghiệp - Đại học Nông Lâm Tp.HCM. Từ năm 1985-2005 anh làm việc đa lĩnh vực, đặc biệt chuyên về giống, cải thiện giống và bảo tồn thuộc Xí nghiệp Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên. Từ 2006 anh công tác ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, phụ trách chương trình hợp tác quốc tế và tham gia các dự án quốc tế. Từ năm 2011 đến nay, anh làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới. Với đề tài nghiên cứu nấm dưới tán rừng thông là kết quả của sự đam mê khám phá rừng và tự nhiên như mạch sống hàng ngày trong công việc và con người của anh. Thạc sĩ - kỹ sư Minh thích nấm từ khi tham gia các chương trình dự án hợp tác với nước ngoài của chương trình bảo tồn, phục hồi và sử dụng rừng ở Việt Nam của Quỹ sáng kiến Darwin; tham gia giới thiệu nấm vùng Tây Nguyên trong dự án chuyên gia Scotlen. Anh còn nghiên cứu về nhân giống thông 2 lá bằng phương pháp ghép, nghiên cứu phân tích tình trạng sinh kế và sự phụ thuộc vào rừng của người dân xã Đa Nhim (Lạc Dương).
Ths – kỹ sư Minh cho rằng: Cộng đồng sống gần rừng sử dụng nấm rất nhiều, vì vậy cần có nghiên cứu chỉ ra nấm độc để khuyến cáo cần thiết cho bà con. Trong 35 loài nấm độc mà anh nghiên cứu, có 1 loài nấm rất độc gọi là nấm Tử Thần. Đặc biệt, loài nấm cực độc này rất dễ nhầm lẫn với nấm ăn được có tên là nấm Trứng Gà rất ngon. Anh trăn trở về sự mất dần của nấm trong thế giới tự nhiên. Thời kỳ trước năm 1980, nấm rừng rất nhiều, nhưng do biến đổi khí hậu, môi trường thay đổi, kể cả kỹ thuật đốt trước trong phòng chống cháy rừng cũng góp phần huỷ hoại môi trường sống tự nhiên của nấm dưới tán rừng thông. Việc nghiên cứu, nuôi cấy nấm rất hạn chế. Phương pháp bảo tồn nấm giúp tái sinh môi trường là giải pháp khả thi. Người dân không nên hái nấm già quá để giữ lại các bào tử nấm tiếp tục phát triển trong tương lai.
DIỆU HIỀN