Những phát hiện ấn tượng nhất về vũ trụ năm 2012

03:01, 02/01/2013

Những khám phá thiên văn học quan trọng và thú vị nhất năm 2012 góp phần không nhỏ trong việc giúp con người định hình các khái niệm về không gian và vũ trụ. Dưới đây là những phát hiện làm khuynh đảo thế giới thiên văn trong năm 2012.

Những khám phá thiên văn học quan trọng và thú vị nhất năm 2012 góp phần không nhỏ trong việc giúp con người định hình các khái niệm về không gian và vũ trụ. Dưới đây là những phát hiện làm khuynh đảo thế giới thiên văn trong năm 2012.

Hệ hành tinh quay quanh ngôi sao lùn KOI-961
Hệ hành tinh quay quanh ngôi sao lùn KOI-961


Hố đen khổng lồ nhất

Trong năm 2012, các nhà quan sát đã không khỏi kinh ngạc khi phát hiện ra thiên hà NGC 1277 với một hố đen trung tâm siêu khổng lồ có kích thước lớn gấp 17 tỷ lần mặt trời. Thông thường các hố đen thường chiếm khoảng 0,1% khối lượng của thiên hà chứa đựng nó. Tuy nhiên, hố đen trung tâm của NGC 1277 lại chiếm tới 14% khối lượng của thiên hà này.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ sẽ cần thêm nhiều năm nữa để kiểm tra lại các tính toán của mình trước khi công bố kết quả cho công chúng.

Ngoại hành tinh gần trái đất nhất

Trong một phát hiện bất ngờ, các nhà thiên văn học vừa tìm thấy hành tinh Alpha Centauri Bb. Đây là một hành tinh ngoài hệ mặt trời quay quanh sao loại Alpha Centauri B nằm cách trái đất chỉ 4,37 năm ánh sáng. Alpha Centauri Bb là hành tinh ngoài hệ gần với trái đất nhất cho tới nay và là hành tinh có khối lượng nhỏ nhất quay quanh một ngôi sao gần giống với mặt trời.

Không nằm trong vùng sống được, hành tinh này có khoảng cách quỹ đạo rất gần với ngôi sao tương tự như mặt trời của nó với khoảng cách 6 triệu km (trong khi đó, trái đất cách mặt trời 150 triệu km). Chu kỳ quỹ đạo của Alpha Centauri Bb là 3.236 ngày.

Hệ hành tinh nhỏ nhất

Các nhà thiên văn sử dụng kính viễn vọng không gian Kepler của NASA trong năm 2012 đã phát hiện ra hệ hành tinh nhỏ nhất từ trước tới nay. Quay xung quanh ngôi sao lùn đỏ có tên KOI-961, hệ hành tinh bao gồm 3 hành tinh có đường kính chỉ bằng 0,78, 0,73 và 0,57 đường kính của trái đất và cách chúng ta 120 triệu năm ánh sáng. Hành tinh nhỏ nhất có kích thước khoảng bằng sao hoả. Còn ngôi sao lùn KOI-961 chỉ bằng khoảng 1/6 lần mặt trời.

Các hành tinh nói trên được cho là cấu tạo từ đất đá giống với trái đất, nhưng chúng quá gần với ngôi sao để có thể nằm trong vùng có sự sống. Nhà nghiên cứu chính, ông John Johnson thuộc Viện công nghệ California ở thành phố Pasadena, Mỹ tuyên bố: “Đây là hệ hành tinh nhỏ nhất từng được biết đến”.

Hệ mặt trời nhỏ kỷ lục

Được phát hiện thông qua kính viễn vọng Kepler của NASA, hệ mặt trời nhỏ kỷ lục bao gồm 5 hành tinh quay quanh ngôi sao KOI-500 với quỹ đạo gần hơn từ trái đất đến mặt trời ít nhất 12 lần. Chính vì quỹ đạo của các hành tinh này quá gần KOI-500 nên “năm” của chúng – tức khoảng thời gian cần thiết để chúng quay quanh ngôi sao này chỉ kéo dài lần lượt là 1; 3; 4,6; 7,1 và 9,5 ngày trái đất.

Chúng cũng gần nhau tới mức lực hút lẫn nhau vừa kéo vừa đẩy quỹ đạo chuyển động. Tuy nhiên, những quỹ đạo này có vẻ rất ổn định – chúng không hề gặp nguy cơ va chạm vào nhau hay đẩy nhau ra xa khỏi KOI-500, nhà thiên văn Ragozzine tiết lộ trên Space.com.

Thiên hà xa xôi nhất

Có thể nói kính viễn vọng không gian Hubble của NASA đã giúp nhân loại chạm đến quá khứ gần như xa xôi nhất của vũ trụ. Trong năm 2012, nó đã giúp giới thiên văn học xác định được 7 thiên hà mới, được hình thành sau sự kiện Big Bang giúp tạo ra vũ trụ cách đây 13,7 tỷ năm chỉ từ 350 đến 600 triệu năm. Nằm trong nhóm thiên hà mới được phát hiện này là UDFj-39546284, thiên hà xa xôi nhất từng được quan sát thấy. Nó có khả năng được hình thành kể từ khi vũ trụ mới chỉ có 380 triệu năm tuổi.

HT (Theo Infonet)