Nhật Bản nhân bản vô tính thành công 581 con chuột

02:03, 26/03/2013

(LĐ online) - Các nhà nghiên cứu của Trung tâm phát triển sinh học RIKEN (Kobe, Nhật Bản) đã phát hiện ra một cách thức để tạo ra những con chuột nhân bản vô tính khỏe mạnh, sống vòng đời bình thường như chuột sinh sản truyền thống và có thể tái sinh sản.

(LĐ online) - Các nhà nghiên cứu của Trung tâm phát triển sinh học RIKEN (Kobe, Nhật Bản) đã phát hiện ra một cách thức để tạo ra những con chuột nhân bản vô tính khỏe mạnh, sống vòng đời bình thường như chuột sinh sản truyền thống và có thể tái sinh sản. Đặc biệt, từ một nguồn gen có thể nhân bản liên tục. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật có tên “dẫn truyền nhân tế bào xô-ma (SNCT)” để tạo ra 581 bản sao của một con chuột "mẫu" thông qua 25 thế hệ nhân bản vô tính. Đây là nghiên cứu được phát động từ năm 2005, bởi giáo sư Teruhiko Wakayama. Kết quả nhóm nghiên cứu đã có 581 con chuột sinh sản vô tính, hiện đang phát triển bình thường…

Chuột sinh sản vô tính của Trung tâm phát triển sinh học RIKEN. Ảnh: gizmag.com
Chuột sinh sản vô tính của Trung tâm phát triển sinh học RIKEN. Ảnh: gizmag.com


Công nghệ nhân bản vô tính chính thức được công nhận với thành quả là chú cừu Dolly năm 1996. Dolly được nhân bản vô tính bằng phương pháp SNCT trong đó nhân của một tế bào xô-ma (mọi loại tế bào từ trứng và tinh trùng) được loại bỏ và sau đó được nhúng vào một tế bào trứng chứa phần nhân đã được loại bỏ trước đó. Sau đó một tổ hợp các biện pháp sẽ kích thích phôi hình thành và phát triển trước khi được cấy vào một động vật chủ thích hợp và phát triển cho đến khi sinh.

SNCT không phải là một phương pháp đáng tin cậy vì để nhân bản thành công một chú cừu Dolly đòi hỏi phải thực hiện kỹ thuật SNCT với 277 trứng và chỉ duy nhất 1 trứng sống sót. Kỹ thuật này được cải tiến rất nhiều trong suốt 20 năm qua nhưng tỉ lệ thành công trong việc nhân bản vô tính động vật có vú vẫn xấp xỉ 2%.

Một rủi ro khác là động vật trưởng thành được tạo ra thì một số biến chứng thoái hóa di truyền vẫn có thể xảy ra với xác suất cao. Đáng lẽ cừu Dolly có thể sống đến 16 năm nhưng nó đã xuất hiện các triệu chứng lão hóa khi mới 7 năm tuổi. Đầu năm 2003, cừu Dolly đã được tiêm một mũi thuốc để được chết êm ái. Khi phân tích gen của Dolly, các nhà khoa học phát hiện trong cấu trúc gen của cừu Dolly có sai khác so với bộ gen gốc.

Giáo sư Teruhiko Wakayama và các cộng sự đã thực hiện những cải tiến đáng kinh ngạc trong kỹ thuật nhân bản vô tính chuột. Cải tiến đầu tiên của họ là sử dụng phương pháp SNCT nhưng có dùng thêm một chất ức chế HDCA (Histone Deacetylase) cực mạnh đưa vào các tế bào nhân bản mới. Phương pháp trên kết hợp với một số phát hiện khác trong quá trình nghiên cứu liên quan đến DNA, nhóm đã đạt được kết quả là  nâng tỉ lệ sống sót trong nhân bản vô tính lên 8%-10%.

Với phát minh cải tiến phương pháp nhân bản vô tính, nhóm nghiên cứu RIKEN đã mở ra con đường cho việc nhân bản động vật để làm thức ăn. Phát biểu với New Scientist, giáo sư Wakayama cho biết: "Nếu một 'siêu bò' có thể cho thật nhiều sữa hay thịt bò Kobe với chi phí thấp thì không chỉ người tiêu dùng mà cả nông dân cũng sẽ được lợi. Mục đích của nhân bản động vật vô tính là như thế và chúng tôi vẫn tiếp tục".

MINH TRÍ (lược dịch)