Nhiệt độ Trái Đất thay đổi nóng và lạnh bất thường

09:03, 13/03/2013

Trái Đất hiện đang trải qua giai đoạn thay đổi nhiệt độ đột ngột một cách bất thường, từ mức lạnh gần như thấp nhất sang mức nóng đỉnh điểm trong khoảng thời gian ngắn nhất trong lịch sử, chỉ trong vòng 100 năm.

Cánh đồng ngô khô héo do hạn hán tại một trang trại ở Georgetown, bang Indiana ngày 15/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cánh đồng ngô khô héo do hạn hán tại một trang trại ở Georgetown, bang Indiana ngày 15/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trái Đất hiện đang trải qua giai đoạn thay đổi nhiệt độ đột ngột một cách bất thường, từ mức lạnh gần như thấp nhất sang mức nóng đỉnh điểm trong khoảng thời gian ngắn nhất trong lịch sử, chỉ trong vòng 100 năm.

Đó là phát hiện của các nhà khoa học Mỹ trong một công trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu sự thay đổi nhiệt độ Trái Đất.

Phóng viên TTXVN tại Ottawa ngày 11/3 dẫn công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oregan công bố trên tạp chí Khoa học cho biết tại thời điểm 11.000 nghìn năm trước, nhiệt độ Trái Đất bắt đầu quá trình nguội dần đi cho tới khi đột ngột tăng cao vào thế kỷ XX.

Trong đó, thập niên 1900-1910 là giai đoạn nhiệt độ Trái Đất ở mức thấp nhất và thập niên 2000-2010 là giai đoạn cao nhất. Nhà khoa học Shaun Marcott, người đứng đầu công trình nghiên cứu cho biết Trái Đất chưa từng có giai đoạn chuyển đổi nhiệt độ nào với độ chênh lệch lớn trong thời gian ngắn như vậy, từ mức thấp nhất sang mức cao nhất trong vòng 100 năm.

Vào thời điểm kết thúc kỷ băng hà 7.000 năm trước, Trái Đất mất 4.000 năm để tăng 1,25 độ C trong khi tới thế kỷ XX, mức tăng nhiệt tương tự chỉ cần 20 năm, từ 1920 đến 1940.

Để có được kết quả này, các nhà khoa học đã sử dụng những mẫu hóa thạch của các loài sinh vật nhỏ sống dưới biển để dựng lại quá trình thay đổi của nhiệt độ Trái Đất tới thời điểm 11.000 năm trước, giai đoạn cuối của kỷ băng hà và là mốc quan trọng của lịch sử phát triển khi con người bắt đầu biết thuần dưỡng thú hoang và canh tác nông nghiệp.

Việc sử dụng các mẫu hóa thạch sinh vật biển trong nghiên cứu đã giúp các nhà khoa học tái hiện biểu đồ nhiệt độ trung bình của Trái Đất tới một mốc thời gian xa xưa nhất từ trước tới nay.

Hiện tượng thay đổi nhiệt độ của Trái Đất, ấm lên sau kỷ băng hà và sau đó bắt đầu giảm nhiệt, là do độ nghiêng của trục Trái Đất và khoảng cách với Mặt Trời, những yếu tố ảnh hưởng tới sự hấp thụ và phản chiếu sức nóng của Trái Đất.

Song kết quả nghiên cứu trên đã khẳng định sự ấm lên toàn cầu ngày nay không theo quy luật tự nhiên mà là kết quả của việc tăng lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trên Trái Đất, đặc biệt từ cuộc Cách mạng công nghiệp 250 năm trước đây.

Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng giảm nhiệt ở thời điểm 100 năm trước là dấu hiệu cho thấy Trái Đất đang trong quá trình bước vào một giai đoạn băng hà khác từ 1850 đến 1880.

Tuy nhiên, các khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong đó có khí CO2 do hoạt động của con người tạo nên đã trì hoãn sự khởi đầu của kỷ băng đá này và đưa thế giới bước vào một tương lai không rõ ràng, nơi chính con người tác động tới việc thay đổi nhiệt độ Trái Đất./.

(Theo TTXVN)