Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã và đang triển khai nhiều dự án chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học kỹ thuật mới để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị thu nhập ngày càng tăng lên trên từng diện tích đất sản xuất cho nông dân Đà Lạt.
Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã và đang triển khai nhiều dự án chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học kỹ thuật mới để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị thu nhập ngày càng tăng lên trên từng diện tích đất sản xuất cho nông dân Đà Lạt.
Chuyển đổi, trồng mới giống hoa cát tường lợi nhuận cao ở vùng ven Đà Lạt |
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt ước tính từ hơn hai năm qua, trên nhiều héc ta đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt đã được Trung tâm xây dựng thành những mô hình chuyển đổi giống cây trồng mới đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo điều kiện cho tất cả những hộ gia đình nông dân ở từng địa phương đến học hỏi, tham khảo về áp dụng trong vườn nhà của mình theo nhu cầu. Những hộ gia đình nông dân được chọn xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi giống cây trồng, không chỉ có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết trong sản xuất mà luôn thể hiện sự hợp tác, đóng góp những nguồn vốn đối ứng đáng kể để đầu tư. Như việc triển khai chương trình chuyển đổi giống hoa cát tường và hoa cẩm chướng tại các phường 5, 7, 11, 12 và xã Xuân Thọ trong năm 2011, Trung tâm triển khai với tổng nguồn vốn 647,7 triệu đồng thì người nông dân đã trực tiếp đóng góp 447,7 triệu đồng, còn lại 200 triệu đồng là kinh phí của Nhà nước. Đến năm 2012, Trung tâm tiếp tục chuyển đổi trồng mới giống hoa cát tường nhà kính trên 14 nông hộ ở xã Xuân Thọ và 9 nông hộ ở xã Xuân Trường, trong tổng kinh phí gần 433,3 triệu đồng, Nhà nước chỉ chi hơn 173,3 triệu đồng, nông hộ đối ứng gần 260 triệu đồng. Hoặc với mô hình xây dựng nhà kính mới tại xã Xuân Trường, Nhà nước hỗ trợ 240 triệu đồng thì nông hộ đối ứng lên đến 560 triệu đồng.
Cũng từ năm 2011 đến nay, các chương trình thuộc nguồn vốn của Nhà nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt đều triển khai với nguồn vốn đối ứng của nông dân vượt cao hơn nhiều. Cụ thể, mô hình trồng dâu tây và ớt ngọt tại các phường 6, 7, 8, 11 và xã Xuân Thọ, nhân dân đóng góp gần 211 triệu đồng, nhiều hơn nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ là 61 triệu đồng. Và với kinh phí gần 440 triệu đồng xây dựng mô hình cải tạo đất, thâm canh hoa cát tường, hoa cẩm chướng tại thôn Lộc Quý, Xuân Thọ, nông hộ đã góp vốn tham gia hơn 304 triệu đồng; trừ ra còn hơn 135 triệu đồng là nguồn vốn Nhà nước. Ngoài ra còn có chương trình chuyển đổi vật nuôi như nạc hoá đàn heo cho 10 hộ gia đình chăn nuôi tại xã Tà Nung và xã Xuân Trường, Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng và nông dân đối ứng là 116,6 triệu đồng.
Đồng hành với việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, hơn hai năm qua, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã thường xuyên tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng 3 hình thức chính là tập huấn, hội thảo đầu bờ và dạy nghề, thu hút hơn 3.500 lượt nông dân tham dự. Những nội dung được Trung tâm trực tiếp chuyển giao tập trung như kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê, rau, hoa, đặc biệt là kỹ thuật trồng rau họ thập tự; kỹ thuật bảo quản rau sau thu hoạch… Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị khác để tổ chức chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân như: Phối hợp với Ban Quản lý Dự án Jica của Nhật Bản tổ chức hội thảo đầu bờ về kỹ thuật sấy hồng khô theo quy trình của Nhật Bản cho nông dân phường 10 và các xã Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành; phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng và các công ty chuyên ngành nông nghiệp trong và ngoài nước, chuyển giao trực tiếp cho nông dân cũng ở các xã vùng ven thành phố về kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để trồng rau, hoa đạt năng suất cao; kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây bắp cải. Ngoài ra, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng mở 1 lớp dạy nghề trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê và 1 lớp dạy nghề về kỹ thuật nuôi heo sử dụng nệm lót sinh thái cho 62 lao động tại xã Tà Nung và xã Xuân Thọ.
Kết quả hơn hai năm qua, trung bình mỗi năm, diện tích sản xuất dưới nhà mái che tăng từ 50 - 60ha; đạt tỷ lệ từ 60-70% hộ nông dân đã áp dụng hiệu quả về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nhiều giống hoa mới đã tăng diện tích canh tác, làm thay đổi cơ cấu đến nay là 60% hoa cúc và 40% các loài hoa khác. Tiếp tục công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong năm 2013, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã và đang triển khai các dự án về trồng cây hồng môn, mít Thái Lan, ớt ngọt Hà Lan; xây dựng mới các nhà mái che sản xuất theo công nghệ mới; xây dựng dự án nuôi con dúi đã thuần hoá…
VĂN VIỆT