Biến chất thải thành chất đốt an toàn

03:05, 09/05/2013

Từ đầu năm 2013 đến nay, Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) Lâm Đồng đã hỗ trợ xây mới thêm 44 công trình biogas sản xuất khí đốt từ chất thải chăn nuôi, nâng tổng số công trình chất đốt an toàn này của Dự án lên 175.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) Lâm Đồng đã hỗ trợ xây mới thêm 44 công trình biogas sản xuất khí đốt từ chất thải chăn nuôi, nâng tổng số công trình chất đốt an toàn này của Dự án lên 175.

Một hệ thống biogas của nông hộ đang phát huy hiệu quả sử dụng chất đốt sinh học an toàn, tiết kiệm
Một hệ thống biogas của nông hộ đang phát huy hiệu quả sử dụng chất đốt sinh học an toàn, tiết kiệm


Thạc sỹ Đinh Thị Thanh Hà, phụ trách lĩnh vực an toàn khí sinh học của Dự án LIFSAP Lâm Đồng cho biết: Bắt đầu từ khoảng giữa năm 2010, Dự án LIFSAP Lâm Đồng triển khai Chương trình Tạo khí sinh học an toàn từ chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm trong vùng thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm (mỗi huyện chọn một địa bàn xã, thị trấn chăn nuôi trọng điểm, chủ yếu là chăn nuôi heo với quy mô mỗi hộ nuôi từ 10 con heo trở lên). Đầu tiên Dự án chọn lựa 3 doanh nghiệp từ các đô thị lớn ở phía Bắc, là những doanh nghiệp có năng lực và kỹ thuật để thiết kế, sản xuất, lắp đặt, hướng dẫn vận hành và bảo hành hệ thống biogas phù hợp trong điều kiện chăn nuôi ở Lâm Đồng. Bước tiếp theo, phát hành rộng rãi thông báo đến từng xã, thị trấn về các tiêu chí xây dựng chất đốt an toàn sinh học biogas, mỗi nông hộ được Dự án hỗ trợ xây dựng là 200USD/hệ thống.

Sau thời gian chưa đầy một tháng, mỗi địa phương đã gửi lên bản đăng ký xây dựng hệ thống biogas với 40-50 nông hộ tham gia, Dự án đã phối hợp cùng với các công ty đầu tư và với chính quyền địa phương để xuống từng nông hộ khảo sát về nhu cầu, về quy mô chăn nuôi và khu vực xây dựng… Kết quả, quyết định chọn 18 nông hộ để triển khai xây dựng biogas, trong đó số lượng nhiều nhất ở xã Lộc An (Bảo Lâm) với 11 công trình; còn lại 7 công trình rải rác ở 3 xã, thị trấn gồm Gia Hiệp (Di Linh), Liên Hiệp (Đức Trọng) và thị trấn Nam Ban (Lâm Hà). Với kinh phí đầu tư từ 13,9 triệu đến 14,5 triệu đồng/hộ, bên đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng và bảo hành toàn bộ hệ thống biogas gồm bể chứa chất thải chăn nuôi để tạo khí sinh học, dây dẫn gas, bếp nấu gas, đèn thắp sáng từ gas… “Tính chung trong 2 năm 2010-2011 đầu tiên triển khai, Dự án hoàn thành 18 công trình biogas, đến nay (tháng 5/2013), qua kiểm tra thường xuyên, từng công trình luôn phát huy được hiệu quả sử dụng chất đốt sinh học an toàn cho bếp ăn và cho thắp sáng trong gia đình…”- thạc sỹ Hà nói.

Đầu năm 2012 đến tháng 5/2013, Dự án LIFSAP Lâm Đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 157 công trình cho 157 nông hộ trên 62 xã, thị trấn chăn nuôi tập trung thuộc 4 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, tăng thêm 58 xã, thị trấn so với 2 năm đầu (2010-2011) triển khai. Hiện nay, theo tính toán trên mỗi nông hộ sử dụng khí an toàn sinh học biogas hàng tháng tiết kiệm tiền mua gas từ 190-330 ngàn đồng. Dự án đã kết hợp với các công ty chuyên đầu tư sản xuất, lắp đặt hệ thống biogas cùng tổ chức hơn 40 lớp tập huấn cho người chăn nuôi về việc sản xuất, sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm, mỗi lớp thu hút trên dưới 50 đại diện hộ gia đình chăn nuôi tham dự.

Kế hoạch đến hết năm 2013, Dự án LIFSAP Lâm Đồng sẽ tổ chức xây dựng thêm 325 hệ thống biogas, nâng tổng số thành 500 hệ thống chất đốt an toàn sinh học biogas trên 4 huyện chăn nuôi tập trung trên địa bàn, mức hỗ trợ cho mỗi nông hộ vẫn tiếp tục giải quyết là 200 USD/hệ thống. Hiện trên mỗi xã, thị trấn trong vùng “GAHP” này đều có trực cán bộ kỹ thuật của Dự án “kiêm” nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, vận động người chăn nuôi tiếp tục nhân rộng các hệ thống sản xuất  khí đốt an toàn biogas từ chất thải của gia súc, gia cầm…

VĂN VIỆT