Hệ thống “đặc trị tiêu cực thi cử” đang được nhân rộng

09:05, 26/05/2013

QMC-E.TEST – được coi là bước đột phá trong việc quản trị đại học, cao đẳng, sau khi đạt giải Nhân Tài Đất Việt 2012 vẫn tiếp tục được nâng cấp và được nhiều trường trên cả nước tìm đến để được chuyển giao công nghệ.

QMC-E.TEST – được coi là bước đột phá trong việc quản trị đại học, cao đẳng, sau khi đạt giải Nhân Tài Đất Việt 2012 vẫn tiếp tục được nâng cấp và được nhiều trường trên cả nước tìm đến để được chuyển giao công nghệ.

Để cùng tìm hiểu sự phát triển vượt bậc của QMC-E.TEST sau khi giành giải tại NTĐV 2012, phóng viên báo điện tử VnMedia đã có buổi phỏng vấn trưởng nhóm tác giả - anh Hoàng Anh, thuộc Trung tâm quản lý chất lượng – trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
 

Nhóm tác giả nhận giải tại đêm trao Giải NTĐV 2012.
Nhóm tác giả nhận giải tại đêm trao Giải NTĐV 2012.


Là một trong những sản phẩm được đánh giá cao tại Giải thưởng NTĐV vì giúp giảm tải nhiều khâu trong vấn đề thi cử học phần, chuyên nghiệp hóa vấn đề tổ chức và coi thi cấp trường, và quan trọng hơn là giảm thiểu tiêu cực trong thi cử, xin anh cho biết sản phẩm hiện phát triển như thế nào?

Từ sau khi đạt giải NTĐV 2012, nhóm vẫn tiếp tục phát triển thêm nhiều chức năng cho sản phẩm này và đang tiến hành nâng cấp lên phiên bản 2.0, thay đổi cả về chức năng, giao diện cho thuận tiện hơn. Trong quá trình tác nghiệp, nhóm nhận thấy các chức năng cũ cần phải cập nhật thêm, phần tiện ích liên quan tới sinh viên được tăng cường thêm.

Cụ thể, hệ thống có đến 5000 chức năng, về giao diện thay đổi phù hợp hơn để có thể sử dụng trên cả điện thoại và smartphone. Đối với các chức năng, tăng cường chức năng cho người dùng, đặc biệt là sinh viên, giải quyết các tiện ích cho sinh viên. Trước kia sinh viên vẫn có thể truy cập mọi lúc mọi nơi nhưng họ làm được ở ít phần hơn và giờ tăng lên rất nhiều lần. Chẳng hạn như trước đây sinh viên cần phải giải quyết các công việc của nhà trường như muốn xác nhận điều gì đó, muốn mua cái này, muốn làm cái kia thì phải đến làm trực tiếp (offline) thì giờ đều được giải quyết trực tuyến hết.

Đặc biệt, sản phẩm còn mở thêm cả mạng xã hội cho sinh viên, để sinh viên ngoài việc theo dõi thi cử thì có thể hoàn toàn trao đổi các thông tin, bình chọn…giống như một mô hình mạng xã hội trường học. Ngoài ra còn bổ sung thêm các chức năng liên quan đến quản lý, đến tài chính, quản lý vật tư…

Hiện hệ thống này đang phục vụ cho khoảng bao nhiêu người dùng?

Hiện có khoảng 60 nghìn người dùng thường xuyên gồm sinh viên, giáo viên trong trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Đã có trường nào thử nghiệm sản phẩm chưa và kế hoạch thương mại hóa như thế nào?

Hiện tại, hệ thống đã được chuyển giao cho trường Cao đẳng xây dựng Hà Nội và trường Đại học điện lực đang thực hiện chuyển giao. Hiện nhóm cũng có ý định thương mại hóa rộng rãi và vẫn đang làm dần, trường nào có nhu cầu thì đặt vấn đề. Trên thực tế, năm nay là năm tương đối khó khăn với các trường. Rất nhiều trường đến thăm quan mô hình này và rất mong muốn nhưng vẫn chưa có điều kiện về mặt kinh phí để triển khai. Vì ngoài phần mềm còn các yếu tố khác liên quan tới phần cứng, và liên quan tới cả một hệ thống quản lý. Vì đây không phải là một phần mềm mà đây là một hệ thống quản lý và có rất nhiều các hoạt động offline gắn liền với phần mềm.

Khi chuyển giao công nghệ, có cần phải thay đổi nhiều về hệ thống cho phù hợp với từng trường không? Và các trường cần chuẩn bị những gì khi áp dụng mô hình quản lý này?

Thực ra đối với quy chế đào tạo tín chỉ, Bộ Giáo dục đào tạo cho phép các trường có thể tự thiết lập quy chế đào tạo. Với mỗi trường, quy chế đào tạo có khác nhau chút ít nên nhóm sẽ chỉnh sửa một chút liên quan tới quy chế, còn các quy trình tác nghiệp và các chức năng của phần mềm hoàn toàn đáp ứng được.

Các trường chỉ cần chuẩn bị cơ sở vật chất theo các yêu cầu để cả một hệ thống có thể hoạt động được chứ không phải đơn thuần là phần mềm. Thứ hai là phải chuẩn bị hệ thống CNTT cho phù hợp.

Xin anh cho biết chi phí cho việc chuyển giao?

Thực ra chi phí thì cũng vô cùng nhưng các trường nhận giải pháp này đều rất vui vẻ và hài lòng. Vì hiệu quả về mặt kinh tế có thể thấy rõ trong thời gian ngắn, khoảng vài ba tháng đã thu hồi được vốn.

Trong thời gian tới, nhóm có dự định phát triển thêm gì không?

Khi bảo vệ tại Chung kết NTĐV 2012, nhóm cũng đã nhận được một số ý kiến góp ý quý báu của hội đồng Ban Giám khảo. Nhóm cũng đang từng bước thực hiện các ý kiến này. Về mặt công nghệ cũng đang có những điều chỉnh, thay đổi để cho phù hợp hơn với các phần chức năng.

Năm nay, nhóm có sản phẩm nào dự định tham gia Giải thưởng NTĐV hay không?

Thực tế, hiện nhóm cũng có sản phẩm mới và đang xem xét có nên tham gia Giải thưởng này hay không. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự hoàn thiện nên nhóm cũng chưa muốn tham dự.

"Hệ thống quản lý hoạt động đánh giá kết quả học tập (QMC-E.TEST" thuộc trung tâm Trung tâm quản lý Chất lượng, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã giành giải Khuyến khích hạng mục nhóm sản phẩm CNTT triển vọng của Giải thưởng NTĐV 2012.

Nhóm gồm 6 thành viên phát triển sản phẩm trong 6 tháng từ 12/2011 đến 5/2011. Hệ thống Quản lý hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh- sinh viên có chức năng quản lý và hỗ trợ việc thực hiện các khâu của quá trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên hệ đại học, cao đẳng. Hệ thống được thiết kế và phát triển từ yêu cầu của thực tiễn hoạt động đánh giá tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói riêng và cơ sở đào tạo mới nói chung. Theo tìm hiểu và tham khảo của nhóm tác giả, hiện tại trên thị trường chưa có sản phẩm tương tự.

Hệ thống hỗ trợ trực tiếp các hoạt động phân công giảng dạy, quản lý đánh giá bộ phận, xây dựng kế hoạch thi kết thúc học phần, xét điều kiện dự thi…Các chức năng của hệ thống được thiết kế có khả năng đáp ứng yêu cầu của cơ sở đào tạo có số lượng sinh viên lớn, ngành nghề đa dạng, nhiều địa điểm và đối tượng đào tạo đúng theo các quy chế đào tạo hiện hành.

(Theo vnmedia)