(LĐ online) - Trong thời gian vừa qua, bà con nông dân tại một số khu vực tỉnh Lâm Đồng mới vui mừng đón nhận do thời tiết mang lại đó là xuất hiện “mưa vàng mưa bạc” vào gần cuối mùa khô (giữa tháng 3/2013) đã cứu cho bà con tại huyện Lạc Dương, Bảo Lâm và Bảo Lộc rất nhiều diện tích cà phê trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
(LĐ online) - Trong thời gian vừa qua, bà con nông dân tại một số khu vực tỉnh Lâm Đồng mới vui mừng đón nhận do thời tiết mang lại đó là xuất hiện “mưa vàng mưa bạc” vào gần cuối mùa khô (giữa tháng 3/2013) đã cứu cho bà con tại huyện Lạc Dương, Bảo Lâm và Bảo Lộc rất nhiều diện tích cà phê trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Nhưng vào thời kỳ đầu mùa mưa, bà con nông dân trên địa bàn Thành phố Đà Lạt lại thất vọng do thời tiết mang lại đó là một đợt mưa đá xảy ra chiều ngày 7/5/2013 khoảng từ 12h30 đến 13h, với thời gian kéo dài từ 20 - 30 phút, rất may không có thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại rất lớn chủ yếu về nông nghiệp hoa màu của nhân dân, đó là toàn bộ rau hoa bị dập nát do không có vòm kính che, nơi có nhà kính vòm che một số bị sập gãy do mưa đá xối xuống thành từng đống. Theo ghi nhận của bà con nông dân thì đây là trận mưa đá lớn lịch sử sau trên 20 năm mới xuất hiện. Đặc biệt, những tảng mưa đá bị dồn lại đến ngày hôm sau vẫn chưa tan hết.
Hình ảnh ghi lại vào 10 giờ ngày 8/5/2013 ở một số vườn hoa màu thuộc khu vực đường Trần Quang Khải - TP Đà Lạt |
Dưới đây là một số hiện tượng thời tiết nguy hiểm và cách phòng tránh khi chúng xuất hiện:
Lốc xoáy hay vòi rồng là hiện tượng một luồng không khí xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây dông xuống tới mặt đất. Lốc xoáy phát triển từ một cơn dông, thường từ một đám mây dông rất mạnh hay siêu mạnh, nên ở đâu có dông dữ dội là ở đó có thể có lốc xoáy. Cũng có khi nó sinh ra từ một dải gió giật mạnh (được gọi những đường tố) hay từ một cơn bão. Người ta cho rằng khi không khí ở lớp bên trên lạnh đè lên lớp không khí nóng ở phía dưới, không khí nóng sẽ bị cưỡng bức chuyển động lên rất mạnh. Nhưng khi lốc xoáy xảy ra trên mặt nước thì thường lại không thấy đối lưu và cũng không thấy sự khác biệt nhiệt độ giữa các lớp. Vì vậy, nguyên nhân của lốc xoáy con người vẫn chưa hoàn toàn hiểu được hết.
Tuy vậy, phần lớn lốc xoáy được hình thành từ một dạng mây dông đặc biệt là mây dông tích điện có thể kéo dài trong vài giờ, xoáy tròn trong vùng có đường kính từ 10 đến 16 km, di chuyển hàng trăm kilômét và sinh ra vô số ống hút khổng lồ. Nguồn gốc của chúng là vùng khí hậu có luồng khí nóng đi lên và luồng khí lạnh đi xuống.
Đầu tiên là quá trình tương tác giữa cơn dông có chiều lên trên và gió. Sự tương tác này sẽ làm cho tầng khí nóng ở dưới di chuyển lên trên và xoay tròn trong không trung. Tiếp đó là sự phát triển của dòng khí lạnh di chuyển theo hướng đi xuống mặt đất. Vận tốc của dòng khí đi xuống có thể lớn hơn 160 km/h. Đường kính của lốc xoáy có thể thay đổi từ vài chục mét cho tới vài kilômét. Nhưng đa số các lốc xoáy có đường kính vào khoảng 50m. Trên đường di chuyển nó có thể cuốn theo (rồi ném xuống ở một khoảng cách sau đó) hoặc phá huỷ mọi thứ, kể cả những nhà gạch xây kiên cố, nên vòi rồng cũng là hiện tượng khí tượng đặc biệt nguy hiểm.
Nhìn từ xa vòi rồng có thể có màu đen hoặc trắng, tuỳ thuộc những thứ mà nó cuốn theo. Vòi rồng xuất hiện ở trên đại dương thường hút nước biển lên cao tạo thành các cây nước. Đây là hiện tượng gió xoáy rất mạnh, phạm vi đường kính rất nhỏ, hút từ bề mặt đất lên đám mây vũ tích, tạo thành hình như cái phễu di động, trông giống như cái vòi, nhưng từ trên bầu trời thò xuống nên gọi là "vòi rồng".
Hình ảnh minh họa của vòi rồng |
Việc đo tốc độ gió của lốc xoáy một cách trực tiếp là vô cùng khó khăn, bởi nó có thể phá huỷ nhiều thứ xuất hiện trên đường đi.
Hậu quả do lốc xoáy gây ra là rất nghiêm trọng cho địa phương nơi nó đi qua. Càng xảy ra nhiều lốc xoáy và nhất là lốc xoáy cấp mạnh thì thiệt hại về người cũng như về cơ sở hạ tầng là càng lớn. Do di chuyển với tốc độ rất nhanh, cùng với gió xoáy, lốc xoáy dường như phá hủy hết mọi thứ trên đường đi của nó. Với những lốc xoáy nhỏ thì sẽ phá hủy các biển hiệu giao thông, những nhà có kiến trúc không vững. Những trận mạnh thì có thể cuốn bay cả những chiếc ô tô, những căn nhà kiên cố, phá hủy những cây cầu... và cuốn theo cả con người, con vật trên đường đi.
Nói chung đối với lốc xoáy, nhất là loại có tốc độ lớn việc phòng tránh là rất khó khăn.
Cách phòng tránh: Trong thời gian diễn ra lốc xoáy, mọi người phải ngay lập tức tìm nơi trú ẩn trong một tầng hầm hay nơi kín đáo của toà nhà như phòng họp, phòng tắm… Tuyệt đối tránh trú ẩn trong xe hơi và nhà di động bởi chúng có thể bị thổi bay bất cứ lúc nào. Không nên ở trong những nhà lớn có mái rộng như thính phòng, hay siêu thị là những nơi dễ bị sụp đổ. Nếu đang ở ngoài đường, bạn nên chui xuống một cái rãnh hay mương sâu và che đầu cẩn thận để khỏi bị thương do đất đá rơi xuống.
Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ vài mm đến chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5-10 phút, lâu nhất cho cả một đợt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút. Một hạt mưa đá to, đường kính xấp xỉ 6cm.
Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Nguyên nhân chủ yếu là sự hội tụ gió theo phương kinh hướng, kết hợp với điều kiện địa hình.
Cách phòng tránh: Nếu thấy hiện tượng nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi, có thể mưa đá đã kéo đến.
Trong cơn dông mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc kèm theo mưa đá, sức tàn phá hết sức khủng khiếp do gió mạnh và xoáy gây ra.
Ngoài gió rất mạnh ra thì bản thân những hòn mưa đá cũng có khi gây ra đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người. Vì vậy mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Phạm Văn Phú
Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng