(LĐ online) - Liên tục trong 3 ngày từ 17 đến 19/5, tại Sân bay Cam Ly, 6 trong tổng số 20 chiếc máy bay không người lái (đã sản xuất) do Viện Công nghệ không gian chế tạo đã được đưa vào bay thử nghiệm phục vụ chương trình “Tây Nguyên 3” tại bầu trời Đà Lạt...
(LĐ online) - Liên tục trong 3 ngày từ 17 đến 19/5, tại Sân bay Cam Ly, 6 trong tổng số 20 chiếc máy bay không người lái (đã sản xuất) do Viện Công nghệ không gian chế tạo đã được đưa vào bay thử nghiệm phục vụ chương trình “Tây Nguyên 3” tại bầu trời Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng.
Đến dự buổi bay thử nghiệm có GS.Châu Văn Minh – UVTW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình “Tây Nguyên 3”; Trung tướng Triệu Xuân Hoà – Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên, đc Huỳnh Đức Hoà - Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, đ/c Nguyễn Xuân Tiến- UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đông đảo các thành viên, nhà khoa học thuộc Bộ KH& CN, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tính từ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ngày 3/5/2013 tại bãi bay của Viện Công nghệ không gian – HTI thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khu vực Hoà Lạc, km 27, Đại lộc Thăng Long (Hà Nội), đến đợt thử nghiệm lần này tại Tây Nguyên, đã có 217 chuyến bay được thử nghiệm, tuy nhiên chỉ có 2 trong số đó bị trục trặc bởi lỗi do sỏi, đá văng vào cánh máy bay, các yếu tố kỹ thuật đảm bảo bay khác đều thành công như mong đợi. Các máy bay AV.UAV S1 và AV.AUV S2 đều tính hợp được 3 dụng cụ máy ảnh, camera, thiết bị đo phổ kế phản xạ với trọng lượng rất nhỏ. Hình ảnh ghi lại bên dưới mặt đất rất rõ và sắc nét trong phạm vi 30 cm. |
Các máy bay AV.UAV.S1 và AV.UAV.S2 mang theo camera, máy ảnh chuyên dụng và thiết bị đo phổ kế phản xạ đã chính thức cất cánh trên bầu trời Tây Nguyên tiến hành ghi hình, chụp ảnh và đo phổ các đối tượng tự nhiên trên mặt đất ddeer chuẩn hoá số liệu ảnh viễn thám thu được từ vệ tinh. Những dữ liệu hình ảnh chất lượng đầu tiên đã được truyền thời gian về trung tâm xử lý ảnh mặt đất bằng máy ảnh chuyên dụng có độ phân giải trên 20 megapixel (tốc độ chụp 5 ảnh/giây) được đặt chế độ chụp tự động đặc tả vùng rừng, thảm thực vật, mặt nước theo đúng hành trình bay tác nghiệp. Đặc biệt máy đo phổ kế phản xạ do Viện Vũ trụ thuộc VHLKHCNVN nghiên cứu chế tạo đã được nhóm nghiên cứu của Viện Vũ trụ kết hợp với Viện Công nghệ không gian hoá tối ưu có kích thước nhỏ gọn phù hợp trên máy bay không người lái AV.UAV.S2 để triển khai hàng loạt các phép đo cho việc thu thập, xây dựng nguồn thư viện dữ liệu phổ phục vụ khoa học viễn thám thuộc chương trình “Tây Nguyên 3” và các chương trình nghiên cứu khoa học ứng dụng khác.
Tại khu vực địa giới hành chính Đà Lạt - Lạc Dương (Lâm Đồng), các máy bay không người lái đã tiến hành ghi lại hình ảnh động về hiện trạng tài nguyên rừng, mặt nước với khoảng hơn 10.000 bức ảnh chụp độ phân giải cao tại các toạ độ được định trước để đối chiếu với kết quả thu được từ vệ tinh viễn thám.
TS.Phạm Ngọc Lãng – Chủ nhiệm đề tài cho biết: Quá trình bay thử nghiệm tại Lâm Đồng có vai trò rất quan trọng, đây là dịp cho nhóm nghiên cứu đánh giá lại độ ổn định, khả năng thích nghi của máy bay không người lái trong môi trường không khí rất loãng ở khu vực Đà Lạt - Lạc Dương. Đặc biệt các máy bay cũng đã có sự trải nghiệm trong môi trường bay rất khắc nghiệt, mây dày đặc, nhiều sấm sét, gió lốc, xoáy, gió lên xuống “thăng” – “giáng” tại khu vực này. Kết quả cho thấy các máy bay đã hoạt động hiệu quả, chưa có bất kỳ sự trục trặc kỹ thuật nào trong suốt quá trình thử nghiệm”.
Chương trình thử nghiệm tại Tây Nguyên lần này tạo tiền đề để các máy bay không người lái Việt Nam do Viện công nghệ không gian (Viện HLKHCNVN) chế tạo sớm đưa vào phục vụ các ứng dụng cần thiết khác, do hiệu quả sử dụng cao, giá thành sản xuất thấp, tính ứng dụng linh hoạt, đa dạng và tiện ích của nó.
Dưới đây là những hình ảnh ấn tượng do PV Lâm Đồng online ghi được trong đợt bay thử nghiệm của máy bay không người lái do chính Việt Nam sản xuất sáng 19/5 tại Sân bay Cam Ly – Đà Lạt.
Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, trao đổi với thành viên thực hiện dự án: “Chắc chắn Lâm Đồng sẽ nhờ đến máy bay không người lái để kiểm soát rừng trong thời gian tới đây”. Ảnh: CTV |
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Trung tướng Triệu Xuân Hòa - Phó ban chỉ đạo Tây Nguyên, dự lễ thử nghiệm quan sát mặt đất Đà Lạt từ UAV. Ảnh: CTV |
Dàn máy bay không người lái (UAV) chuẩn bị xuất kích. Ảnh: CTV |
Dùng thiết bị kích bên ngoài để khởi động động cơ bay của UAV. Ảnh: CTV |
Độ cao khi thực hiện bay tự động thường từ 30-200m, UAV bay với tốc độ 180 km/h. Ảnh: CTV |
Tuấn Linh