Nông dân sản xuất phân hữu cơ từ rác rau

05:06, 06/06/2013

Theo quy trình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng phê duyệt, từ nguyên liệu rau thải ra đồng, người nông dân có thể thu gom lại chất ủ với men vi sinh trong vòng 1 tháng sẽ "thu hoạch" sản phẩm phân hữu cơ mang lại lợi ích cho cây trồng.

Theo quy trình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng phê duyệt, từ nguyên liệu rau thải ra đồng, người nông dân có thể thu gom lại chất ủ với men vi sinh trong vòng 1 tháng sẽ “thu hoạch” sản phẩm phân hữu cơ mang lại lợi ích cho cây trồng.

Thống kê mỗi năm Lâm Đồng sản xuất từ 2-4 vụ rau trên tổng diện tích khoảng 43.600 ha, đạt tổng sản lượng gần 1,3 triệu tấn, tập trung phần lớn các địa bàn huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng và thành phố Đà Lạt; phần còn lại ở các địa bàn huyện Lạc Dương, huyện Lâm Hà. Trong đó chiếm hơn 95% diện tích sản xuất theo quy mô nông hộ, ước lượng phế phẩm loại bỏ sau thu hoạch từ các loại cây rau khoảng 50.000 tấn/năm (bắp cải và bó xôi có lượng rác rau thải ra khoảng 24 tấn/ha/năm; xà lách, hành lá, tỷ lệ rác thải là 1,6 tấn/ha/năm). Do thiếu phương tiện và thiếu giải pháp xử lý sau thu gom, nên phần lớn chỉ chôn lấp trên đồng hoặc tự động “thải”  xuống các dòng chảy sông suối, gây ảnh hưởng đến môi trường.  
 

Rác rau ủ với chế phẩm vi sinh, 1 tháng sau trở thành phân hữu cơ
Rác rau ủ với chế phẩm vi sinh, 1 tháng sau trở thành phân hữu cơ

Sau gần 1 năm phối hợp với một doanh nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học và môi trường trong nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã triển khai 9 mô hình “Xây dựng và chuyển giao ứng dụng các chủng vi sinh vật xử lý phế phẩm nông nghiệp trên cây rau làm phân hữu cơ quy mô tổ hợp tác sản xuất, nông hộ tại Lâm Đồng”. Theo đó, trên 3 địa bàn Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt, mỗi địa bàn thực hiện 3 mô hình; quy mô tối thiểu 1 tấn rác rau/mô hình và quy mô tối đa 10 tấn rác rau/mô hình. Kết quả sử dụng chế phẩm vi sinh vật có trên thị trường như BioEm, BioADB để phối trộn một ít lượng phân NPK, vôi bột ủ với khoảng 1 tấn rác rau ở nơi khô ráo thoáng mát, giữ đủ độ ẩm trong vòng 1 tháng sau thu được từ 400 - 500kg phân hữu cơ đạt các chỉ tiêu hóa lý về độ chín và độ an toàn của phân ủ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Cụ thể cả 3 chỉ tiêu về hàm lượng đạm, lân và kali đạt gần gấp 2 lần sau 15 ngày ủ phân.

Quy trình được hoàn thiện và chuyển giao rộng rãi cho người nông dân với các công đoạn khá dễ dàng. Để ủ 1 tấn phân cần diện tích nền khoảng 3m2, chọn nơi ủ phân thuận tiện, tạo rãnh thoát nước. Xác cây rau thu gom cắt nhỏ kích thước không quá 10cm, tưới nước giữ độ ẩm và trung hòa nguyên liệu bằng vôi bột hoặc vôi nước từ 1-2 ngày. Với qui mô sản xuất tổ hợp tác, khi lượng rác rau thải hàng ngày được thu gom 1,5 - 2 tấn ủ đống, rải đều vôi bột (lượng 10 - 14 kg vôi bột/1 tấn rác), che phủ bạt và tạo đường rãnh thoát nước. Với qui mô nông hộ, lượng rác rau thải thu gom từ 500 kg trở lên để nơi góc ruộng (chỗ cao, thoát nước tốt), sau đó rắc đều vôi bột lên và che phủ bạt, ủ đống.

Các công đoạn cuối cùng cho cả 2 quy mô nêu trên gồm: Đưa một ít lượng phân u rê, kali vào thùng nước sạch khuấy tan với chế phẩm vi sinh vật, trung bình khoảng 70-100 lít nước/1 tấn rác; nguyên liệu rác rau ủ được xếp thành từng lớp 30cm, sau mỗi lớp xếp lại rắc đều phân lân và tưới dung dịch vi sinh vật. Nếu thấy nước ngấm đều trong rác thải, khi cầm thấy mềm là đạt độ ẩm cần thiết; sau 12-15 ngày tiến hành đảo trộn, bổ sung thêm nước. Đến 30-40 ngày kiểm tra đống ủ thấy không nóng hơn so với nhiệt độ bên ngoài, không có mùi khó chịu, phân ủ dễ tơi và có màu đen hoặc màu nâu sẫm là đã đạt độ hoai mục. Phân ủ xong có thể sử dụng trong vòng 1 năm để bón lót và bón thúc các loại rau và hoa.
 
Tính toán đầu t¬ư ban đầu chế phẩm vi sinh vật, phân đạm, phân lân, vôi,  nhân công, bạt che,… với tổng chi phí xử lý 1 tấn rác rau khoảng 400 ngàn đồng, thu được 400-500kg phân hữu cơ. So sánh chi phí mua 1kg phân hữu cơ cùng loại trên thị trường giá 2.000đ/kg, thành tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, trừ ra là số tiền tiết kiệm đầu tư từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng.

Dự kiến trong vòng 3 năm tới, Lâm Đồng sẽ phát triển khoảng 200 mô hình xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ cả quy mô tổ hợp tác sản xuất và quy mô nông hộ sản xuất rau trên địa bàn.

VĂN VIỆT