(LĐ online) - Để giữ cho cơ thể hoạt động với hiệu năng cao nhất, người ta thường đến các phòng tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ bắp và củng cố sức bền. Nỗ lực này mang lại lợi ích to lớn - sức khoẻ tốt trong hiện tại đồng nghĩa với việc tránh được nhiều chứng bệnh trong tương lai.
(LĐ online) - Để giữ cho cơ thể hoạt động với hiệu năng cao nhất, người ta thường đến các phòng tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ bắp và củng cố sức bền. Nỗ lực này mang lại lợi ích to lớn - sức khoẻ tốt trong hiện tại đồng nghĩa với việc tránh được nhiều chứng bệnh trong tương lai. Nhưng bộ óc có hoạt động theo cách đó không? Nói cách khác, ta có thể tập thể dục cho bộ óc để giúp cho trí tuệ nhạy bén, minh mẫn trong tuổi già không?
Đọc sách, một hoạt động khích thích nhiều hiệu năng tinh thần, có thể giúp duy trì các kỹ năng trí nhớ khi cao tuổi |
Các chuyên gia bảo là có. Kết quả là nhiều người bắt đầu tham gia các khoá huấn luyện thể dục trí óc để tăng cường sức mạnh cơ bắp tinh thần. Với một lệ phí hàng tháng khoảng 15 USD, các website như Lumosity.com và MyBrainTrainer.com hứa hẹn sẽ tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung và các hiệu năng tinh thần khác, thông qua một loạt các trò chơi và câu đố suy luận. Những bài thể dục trí tuệ làm sẵn ấy đang thu hút nhiều người đang lo lắng về tuổi già sắp tới của mình. Nhưng bạn không cần phải tốn tiền như vậy. Một nghiên cứu mới cho biết bí quyết của việc duy trì sự nhanh nhạy tinh thần đơn giản chỉ là mở một sách ra đọc.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành Neurology Journal của Viện nghiên cứu thần kinh Mỹ (American Academy of Neurology) đầu tháng 7 này khẳng định rằng việc đọc sách, viết lách và tham gia vào các hoạt động kích thích trí não tương tự sẽ làm chậm quy trình suy giảm nhận thức của tuổi già, và không bị tác động bởi những chứng bệnh gây thoái hoá tế bào thần kinh thường gặp khi cao niên. Đặc biệt, những người nào đã tham gia các hoạt động kích thích trí tuệ suốt cả cuộc đời, kể cả tuổi trẻ, trung niên và tuổi già, đều có tốc độ suy giảm trí nhớ và các khả năng tinh thần khác chậm hơn nhiều so với những người không có các hoạt động này.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều thí nghiệm để đo lường trí nhớ và khả năng tư duy của 295 người đều đặn hàng năm trong vòng sáu năm. Những người tham gia thí nghiệm cũng trả lời các bảng câu hỏi về thói quen đọc sách và viết lách của họ, từ thời thơ ấu đến trưởng thành và lớn tuổi. Căn cứ theo tuổi chết trung bình của nhiều người tham gia thí nghiệm là 89 tuổi, nhóm nghiên cứu đã khám nghiệm não bộ của những người này để tìm chứng cứ của những dấu hiệu vật lý của hiện tượng suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như các vết thương tổn, xơ cứng, hay biến dạng. Những biểu hiện khác thường trong não bộ như thế rất hay gặp ở những người cao tuổi và khiến họ mất trí nhớ. Những biểu hiện này thường gặp nhiều nhất trong não bộ những người mắc bệnh Alzheimer, dẫn đến những tổn hại về ký ức và tư duy có thể tác động rất xấu đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.
Sử dụng thông tin từ các bảng câu hỏi và kết quả khám nghiệm tử thi, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng dù có đọc hay viết lách chút ít cũng còn hơn là không hề đọc viết gì cả. Những người suốt đời là mọt sách có tỷ lệ giảm trí nhớ chỉ là 32% so với những người có hoạt động trí tuệ trung bình. Những người không hề đọc hay viết gì thì khi về già lại còn thảm hại hơn: trí nhớ của họ suy giảm nhanh hơn những người có hoạt động trí tuệ trung bình tới 48%.
Nhóm nghiên cứu thấy rằng hoạt động trí tuệ chính là nguyên nhân khác biệt của gần 15% chênh lệch trong tốc độc suy giảm trí nhớ, ngoài những gì có thể giải thích bằng các biểu hiện vật lý của hiện tượng xơ cứng dần dần các neuron thần kinh. Chuyên gia tâm lý thần kinh học Robert S. Wilson thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Rush ở Chicago (Mỹ), tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết: “Từ các kết quả này, chúng ta không nên xem thường những hiệu quả của các hoạt động hàng ngày, như đọc và viết, đối với con em chúng ta, bản thân chúng ta cũng như cha mẹ hay ông bà mình”.
Việc đọc buộc não bộ phải vận động vì việc hiểu được văn bản đòi hỏi nhiều năng lực tinh thần hơn là việc xử lý thông tin qua hình ảnh TV. Việc đọc sẽ kích thích bộ nhớ tạm thời khi tích cực xử lý và lưu trữ các thông tin mới tiếp nhận. Cuối cùng, thông tin đó sẽ được chuyển vào bộ nhớ dài hạn nơi sự am tường của chúng ta đối với bất kỳ nguồn dữ liệu nào sẽ càng thêm sâu sắc. Việc viết lách sẽ giúp chúng ta củng cố các thông tin mới để dành cho những lúc ta cần nhớ lại, và do đó cũng giúp tăng cường kỹ năng nhớ của chúng ta.
Cho nên, bí quyết để giữ cho bộ óc nhạy bén về lâu về dài cũng có điểm tương đồng với việc tập thể dục cơ bắp: phải thực hành liên tục và bền bỉ. Và tốt nhất nên bắt đầu tập luyện thật sớm. Một công trình công bố vào năm 2009 sau bảy năm nghiên cứu trên trên 2.000 người khoẻ mạnh từ 18 đến 60 tuổi đã xác định rằng sự nhạy bén trí tuệ đạt đến đỉnh điểm ở tuổi 22. Đến 27 tuổi thì những khả năng như suy luận, hình dung về không gian và tốc độ suy nghĩ bắt đầu giảm sút.
HOÀNG THẢO (theo The Smithsonian)