"Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng các mô hình trồng một số loài rau rừng có giá trị ở Lâm Đồng" là đề tài nghiên cứu khoa học do Khoa Sinh (Trường Đại học Đà Lạt) thực hiện trong vòng 2 năm qua vừa được Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng nghiệm thu với kết quả đạt khá...
“Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng các mô hình trồng một số loài rau rừng có giá trị ở Lâm Đồng” là đề tài nghiên cứu khoa học do Khoa Sinh (Trường Đại học Đà Lạt) thực hiện trong vòng 2 năm qua vừa được Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng nghiệm thu với kết quả đạt khá. Cùng với việc đề xuất một số giải pháp xây dựng vườn trồng các loại rau rừng, nhóm tác giả này còn để nghị cần phải có kế hoạch dài hơi để lưu giữ nguồn gen rau rừng trước khi quá muộn.
Sau khi được nghiệm thu và xếp loại, nhóm tác giả đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng các mô hình trồng một số loài rau rừng có giá trị ở Lâm Đồng” cho biết: “Qua 2 năm triển khai thực hiện đề tài, nhóm tác giả chúng tôi đã nghiên cứu thực địa, thu thập và lên danh mục được hơn 120 loại rau rừng hiện có ở Lâm Đồng. Trong đó, 9 loài rau mà chúng tôi đã xây dựng được mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và nhân giống là lá bép, lỗ bình, cần dại, dưa núi, lạc tiên, dớn, ráy thon, sâm đu đủ và sơn địch”. Trong số này, lá bép là loại rau rừng được quan tâm nhất.
Thực ra, với người Tây Nguyên, rau rừng là thức ăn không xa lạ trong bữa cơm hằng ngày. Cách nay vài năm, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã ra lời kêu gọi các nhà khoa học cần “vào cuộc” để nghiên cứu đề tài “rau rừng”. Năm 2007, học viên Nguyễn Thành Đạt (Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Đà Lạt) dưới sự hướng dẫn của tiến sỹ Nông Văn Tiếp (Đại học Đà Lạt) đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá tiềm năng làm rau ăn của cây lá bép tại Lâm Đồng”. Kết quả nghiên cứu của học viên Nguyễn Thành Đạt cho thấy: Cây lá bép trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có ở 9 huyện và thành phố với mật độ 30 cây trong phạm vi 4m2. Với người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, lá bép là thứ thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Theo các nhà khoa học, lá bép còn có tên là rau danh, rau nhíp; tên khoa học là Gnetum gnemon L. Var griffithii Markgr. Lá bép dùng để nấu canh suông hoặc nấu với thịt; là loại dược liệu dùng để giải độc, trị sốt rét, chữa tê thấp, bổ huyết… Đề tài khoa học nói trên của nhóm tác giả Khoa Sinh (Đại học Đà Lạt) còn chỉ rõ: Trong lá bép có tới 16 loại aminoacid (trong tổng số 20 aminoacid không thể thiếu đối với cơ thể con người) tham gia xây dựng protein; hàm lượng đường trong lá bép đạt 0,93%...
Không chỉ rau lá bép, đề tài khoa học của nhóm tác giả nói trên còn chỉ ra trong số trên 120 loại rau rừng này có đến ít nhất là 10 loài thuộc dược liệu quý và hiếm gặp; và 2 loài hoàn toàn mới về khu phân bố ở Lâm Đồng là rau bò khai và rau hiến.
“Nghiên cứu tìm ra các loại rau rừng hoang mà con người ăn được” là lời hiệu triệu của UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra cách nay 5 năm. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ đầu tư kinh phí để trồng khảo nghiệm đối với các loại rau rừng được lập hồ sơ thực vật với mục đích khai thác nguồn rau xanh tự nhiên mà đồng bào dân tộc thiểu số xưa nay vẫn sử dụng. Và, cho đến lúc này, rau bép là một ví dụ!
KHẮC DŨNG