(LĐ online) - Sao Hỏa, hành tinh thứ tư trong Thái Dương hệ sẽ là mục tiêu chinh phục mới của ngành không gian - vũ trụ. Từ năm 1965 đến nay, đã có 40 công trình nghiên cứu về hành tinh màu đỏ này và ngày 6/8 vừa qua đã đánh dấu một năm ngày robot tự hành Curiosity của Mỹ lần đầu tiên đổ bộ thành công lên sao Hỏa.
(LĐ online) - Sao Hỏa, hành tinh thứ tư trong Thái Dương hệ sẽ là mục tiêu chinh phục mới của ngành không gian - vũ trụ. Từ năm 1965 đến nay, đã có 40 công trình nghiên cứu về hành tinh màu đỏ này và ngày 6/8 vừa qua đã đánh dấu một năm ngày robot tự hành Curiosity của Mỹ lần đầu tiên đổ bộ thành công lên sao Hỏa.
Năm 2020, Mỹ sẽ đưa lên sao Hoả một robot tự hành giống như robot Curiosity đã đổ bộ thành công năm 2012, nhưng với một nhiệm vụ khó khăn hơn. |
Đối với giới khoa học, sao Hỏa vẫn còn nhiều bí ẩn cần được giải đáp như tại sao khí quyển ở đây lại dày đặc và tại sao lớp nước trên diện rộng trên bề mặt hành tinh này lại đột ngột biến mất? Trả lời được những câu hỏi đó là có thể dự đoán trước những biến đổi cho Trái Đất.
Theo tuần báo Pháp L’Express, việc robot Curiosity đổ bộ thành công năm vừa qua đã gây hứng khởi cho các nhà nghiên cứu. Từ giờ cho đến 2020, nhiều dự án khám phá Sao Hỏa đã được ấn định. Bước đầu tiên là đưa máy móc - các thiết bị dò sóng và robot - và kế tiếp là đưa con người lên hành tinh này. Để hỗ trợ cho Curiosity, vào khoảng giữa tháng 11 năm nay Mỹ sẽ đưa tiếp một thiết bị dò sóng Maven để nghiên cứu tại chỗ quá trình tiến hóa của bầu khí quyển. Trong năm 2016, Mỹ sẽ cho đổ bộ trạm nghiên cứu tự động Insight để khám phá lòng đất sao Hỏa.
Công cuộc chinh phục sao Hoả đòi hỏi sự hợp tác hơn là cạnh tranh giữa Mỹ và châu Âu. Trong năm 2016 và 2018, châu Âu sẽ tham gia với hai chuyến bay mang tên ExoMars. Năm 2020 lại đến lượt Mỹ tiếp tục hành trình chinh phục, khi cho gởi tiếp một robot khác giống như Curiosity nhưng với một tham vọng lớn hơn: thực hiện chuyến trở về Trái Đất đầu tiên cùng những mẫu đất sao Hỏa.
Và tất nhiên mục tiêu cuối cùng là đưa con người lên sao Hỏa. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia không gian, nhiệm vụ này không thể thực hiện ít nhất là cho đến giai đoạn 2030-2040. Lý do là chi phí cho một việc đưa con người lên sao Hoả ước tính tốn kém gấp 200 lần việc đưa thiết bị tự động. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Mỹ khó lòng chi ra 300 tỷ USD để thực hiện một “giấc mơ nhân loại” thứ hai như đã từng làm khi đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 1969.
HOÀNG THẢO (theo L’Express)