Với kết quả về hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm đùi gà khổng lồ, các nhà khoa học đặt kỳ vọng rất cao về một bước ngoặt trong sự phát triển của ngành nuôi trồng nấm của tỉnh miền núi Lâm Đồng - địa phương hội đủ các điều kiện để nuôi trồng các loại nấm - và không chỉ riêng Lâm Đồng.
Tại Đà Lạt, mới đây, Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành nghiệm thu chính thức dự án “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm đùi gà khổng lồ Macrocybe gigantea” do Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) thuộc Sở KHCN Lâm Đồng thực hiện với kết quả đạt khá.
Cây nấm trong phòng thí nghiệm |
Với kết quả về hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm đùi gà khổng lồ, các nhà khoa học đặt kỳ vọng rất cao về một bước ngoặt trong sự phát triển của ngành nuôi trồng nấm của tỉnh miền núi Lâm Đồng - địa phương hội đủ các điều kiện để nuôi trồng các loại nấm - và không chỉ riêng Lâm Đồng.
Nhóm tác giả đề tài cho biết: Mục tiêu được đặt ra cho dự án này là lưu giữ nguồn gen nấm Macrocybe gigantea và đồng thời đưa ra sản xuất đại trà loại nấm này theo hướng công nghiệp để phục vụ tiêu dùng nội địa và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài. Sau hơn một năm triển khai dự án, nhóm tác giả đã nghiên cứu thành công quy trình kỹ thuật tách phân lập và nhân giống cấp 1 trên môi trường PGA cải tiến (môi trường phân lập) và nhân giống cấp 2 trên môi trường “hạt thóc”, “que sắn”. Bên cạnh đó, cũng trong vòng một năm triển khai dự án, bước đầu, nhóm tác giả đã đưa giống nấm đùi gà khổng lồ này ra trồng thử nghiệm tại hai địa bàn Đà Lạt và huyện Lạc Dương và đã thu lại được kết quả khá khả quan.
Nấm đùi gà có hàm lượng protein cao gấp 3 - 6 lần so với các loại rau bình thường; đồng thời, có chứa nhiều loại acid amin mà cơ thể con người không thể tự tổng hợp được. Bởi vậy, ngoài chức năng thực phẩm, nấm đùi gà còn có giá trị về dược phẩm như phòng trị các bệnh huyết áp cao, xơ gan, đái tháo đường… Trên thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, hiện có ba loài nấm đùi gà loài Macrocybe đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu cao của nó là nấm L.shimeji, L.ulmarium và L.decastes. |
Trong hơn mười năm qua, tại Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện được 2 loài nấm đùi gà: Macrocybe crassa và Macrocybe gigantea. Năm 2010, trước khi phát hiện nấm đùi gà Macrocybe gigantea, PGS. TS Lê Xuân Thám (hiện là GĐ Sở KHCN Lâm Đồng, lúc đó là GĐ Trung tâm Hạt nhân TP HCM) cùng các cộng sự đã phát hiện loài nấm Macrocybe crassa tại địa bàn TP HCM. Qua nghiên cứu, TS Lê Xuân Thám kết luận đây là một trong những loài nấm đã được phát hiện và nuôi trồng tại Nhật Bản từ năm 1994, có tên theo tiếng Nhật là “Shimeji”. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì đây là lần đầu tiên loài nấm này được phát hiện. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả đã tiến hành nuôi trồng thành công giống nấm đùi gà Macrocybe crassa trên giá thể mùn cưa và nhiều loại giá thể khác (hiện giống nấm này khá phổ biến ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước…). Với giống đùi gà Macrocybe gigantea, lại thêm một câu chuyện khá thú vị: Ngày 6.6.2011, một người dân ở Lái Thiêu (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) tên là Trương Thị Anh Đào đã tình cờ phát hiện trong vườn mía nhà mình một cây nấm “giống như cây nấm đùi gà” nhưng trọng lượng của nó thì đạt đến “kỷ lục”: 5,5kg. Ngay sau khi nghe tin, một số cán bộ chuyên ngành của Sở KHCN Lâm Đồng đã đến Lái Thiêu và thuyết phục bà Trương Thị Anh Đào “nhượng” cây nấm này để đưa về Lâm Đồng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và đã được bà Đào đồng ý. Theo các cán bộ của Sở KHCN Lâm Đồng, trên thế giới từ trước đến nay, nấm đùi gà to nhất cũng chỉ mới đạt chưa đến 1,5kg; còn với cây nấm của bà Đào, trọng lượng đạt đến 5,5kg là cây nấm nặng nhất, to nhất thế giới từ trước đến nay.
Càng bất ngờ hơn khi qua nghiên cứu, TS Lê Xuân Thám biết rằng giống nấm đùi gà Macrocybe gigantea đã được nhóm tác giả khoa học người Anh, người Mỹ và người Nhật nghiên cứu và xác định vào năm 1998. Như vậy, cả hai loài nấm đùi gà được phát hiện ở Việt Nam không phải là phát hiện lần đầu tiên trên thế giới nhưng đây là phát hiện đầu tiên nhóm “đùi gà” Macrocybe ôn đới tại vùng nhiệt đới Việt Nam; đặc biệt, với riêng loài Macrocybe gigantea thì cây nấm do bà Trương Thị Anh Đào phát hiện tại vườn mía nhà mình là cây nấm đùi gà có trọng lượng lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay.
Từ cây nấm đùi gà Macrocybe gigantea do bà Đào ở Lái Thiêu phát hiện được đưa về Lâm Đồng vào tháng 6.2011 đến nay, qua bàn tay của các nhà khoa học, có thể nói sự thành công của dự án “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm đùi gà khổng lồ Macrocybe gigantea” mới đây của nhóm tác giả Lâm Đồng đã bắt đầu mở ra cho nghề nuôi trồng và kinh doanh nấm Việt Nam một viễn cảnh đầy hứa hẹn ở tương lai gần!
Khắc Dũng