Doanh nghiệp "ngại" điện toán đám mây vì bảo mật

08:11, 15/11/2013

"Lên mây" ở thời điểm này được đánh giá đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên, vấn đề bảo mật vẫn luôn là trở ngại tâm lý lớn nhất không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nhanh chóng vượt qua…

“Lên mây” ở thời điểm này được đánh giá đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên, vấn đề bảo mật vẫn luôn là trở ngại tâm lý lớn nhất không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nhanh chóng vượt qua…
 
Bảo mật luôn là thách thức lớn
 
Khái niệm điện toán đám mây không còn quá xa lạ với doanh nghiệp và người dùng Việt. Tuy nhiên, mức độ bảo mật khi “lên mây” ra sao vẫn là câu hỏi khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn chưa mặn mà. Trước sự hoài nghi về điện toán đám mây, các ứng dụng trên điện toán đám mây nói chung và giá trị của nó khi ứng dụng trong môi trường doanh nghiệp, ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc SAP Việt Nam cho biết, điều đó là một thực tế.
 
Theo ông Trường, thách thức chính khi đưa SAP điện toán đám mây vào Việt Nam là vấn đề an toàn thông tin. Thông tin và con người là 2 tài sản lớn nhất của mọi doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt đối với hai khối chính phủ và ngân hàng, thông tin là một vấn đề hết sức nhạy cảm vì tài sản của họ chính là thông tin. Việc thuyết phục các tổ chức ở 2 ngành này dịch chuyển lên điện toán đâm mây sẽ là một thách thức không nhỏ.
 
Nắm bắt thực tế này, bản thân SAP rất coi trọng các vấn đề bảo mật vì các giải pháp của họ hoạt động trong môi trường B2B, giữa các doanh nghiệp với nhau. Trên nền tảng điện toán đám mây, SAP đã làm rất nhiều việc, từ đầu tư rất nhiều về bảo mật cho cơ sở hạ tầng, tới việc lấy rất nhiều chứng chỉ về bảo mật.
 
Chẳng hạn như với Ariba - một nền tảng đa doanh nghiệp, mang đến quy trình thu mua hiệu quả hơn nhờ khả năng kết nối doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) và tự động hóa các quy trình của SAP đã có chứng chỉ WebTrust - đây là chứng chỉ rất chặt chẽ về mặt bảo mật. Để duy trì chứng chỉ này, mỗi năm 2 lần sẽ có một bên thứ 3 là nhà cung cấp chứng chỉ đến kiểm tra mạng và sau đó cấp chứng chỉ chứng tỏ hệ thống của chúng tôi tuân thủ các điều kiện về bảo mật của Webtrust.
 
Vẫn còn nhiều cơ hội 
 
Và cơ hội để triển khai và cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều nếu họ thực sự hiểu và thấy được lợi ích của việc “lên mây”. Theo kinh nghiệm của SAP, nếu như việc triển khai một dự án với các doanh nghiệp theo cách truyền thống hiện nay sẽ cần 6-8 tháng để hoàn thành, thì đối với điện toán đám mây, đã có trường hợp chỉ cần 3-4 tuần mà thôi. Điều này cho thấy khi khách hàng đã sẵn sàng tiếp cận điện toán đám mây, lợi ích mà nó mang lại sẽ là rất lớn.
 
Hiện giờ, mỗi một nhà cung cấp sẽ nói về điện toán đám mây ở một khía cạnh khác nhau. Nhà cung cấp cơ sở hạ tầng sẽ nói về cơ sở hạ tầng trên đám mây, các công ty về bảo mật sẽ nói về an ninh cho điện toán đám mây, các công ty bán lẻ sẽ nói về dịch vụ bán lẻ dành cho người tiêu dùng trên điện toán đám mây. Đối với SAP, đó là giải pháp cho người dùng phần mềm doanh nghiệp trên điện toán đam mây.
 
SAP vừa tổ chức Hội nghị về Giải pháp ứng dụng trên Điện toán đám mây tại Hà Nội, hội nghị đã giúp các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn các giải pháp ứng dụng trên điện toán đám mây hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp như thế nào trong việc đáp ứng các kỳ vọng của khách hàng, nhà cung cấp cũng như nhân viên của mình.
 
SAP đưa ra thông điệp về điện toán đám mây: có thể triển khai các giải pháp ứng dụng trên điện toán đám mây theo cách của người dùng với thời gian thực, chi phí hợp lý. Các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng điện toán đám mây làm đòn bẩy để chuyển đổi tổ chức/doanh nghiệp và vận hành một cách hiệu quả hơn.
 
“Với việc đầu tư hơn 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp điện toán đám mây trong 18 tháng, SAP tự tin có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiêp Việt Nam chuyển dịch thành công lên điện toán đám mây” - ông Trường nói.
 
(Theo vnmedia)