Nhận diện hình ảnh thực về cây Trà mi Krempf sau hơn 100 năm

09:11, 03/11/2013

(LĐ online) - Ngày 2/11, ThS. Lương Văn Dũng kết thúc chuyến nghiên cứu và chính thức công bố đã phát hiện được một quần thể cây Trà mi Krempf tại Hòn Giao, tỉnh Khánh Hòa bằng thực tế về hình dáng quả, màu sắc của hoa sau hơn 100 năm nhà khoa học M. Krempf thu mẫu lần đầu tiên.

(LĐ online) - Ngày 2/11, Phó chủ nhiệm khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt, ThS. Lương Văn Dũng kết thúc chuyến nghiên cứu và chính thức công bố đã phát hiện được một quần thể cây Trà mi Krempf tại Hòn Giao, tỉnh Khánh Hòa bằng thực tế về hình dáng quả, màu sắc của hoa sau hơn 100 năm nhà khoa học M. Krempf thu mẫu lần đầu tiên.
 
Trà mi Krempf và ThS. Dũng (ảnh chụp ngày 2.11 tại phòng nghiên cứu)
Trà mi Krempf và ThS. Dũng (ảnh chụp ngày 2.11 tại phòng nghiên cứu)
 
ThS. Lương Văn Dũng cùng hai cán bộ Vườn Quốc gia Biduop Núi Bà (Trương Quang Cường và Phạm Hữu Nhân) phát hiện Trà mi Krempf nằm ở độ cao khoảng 800m, trong kiểu rừng kín thường xanh, có số lượng cá thể tương đối nhiều. Đây là loài tiểu mộc cao 5-8 mét, lá có phiến hình thon dài, đáy lá hình tim giống lá cây Hải đường (Camellia amplexicaulis). Đặc biệt, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chứng kiến được hình ảnh thực tế về màu sắc và hình thái của hoa, quả Trà mi Krempf: hoa có màu đỏ gạch, đường kính 5,5-7cm; quả hình cầu dẹt, đường kính 6-6,5cm. 
 
Trước đó, năm 1912, Trà mi Krempf (tên khoa học là Camellia krempfii (Gagnep.) Sealy) được M. Krempf thu mẫu tại Ton Ha, tỉnh Khánh Hòa nhưng chỉ có lá và nụ hoa. Năm 1942, nhà nghiên cứu Ganepain dựa vào các tiêu bản khô này mô tả và công bố loài này với tên khoa học là Thea krempfii Gagnep nhưng không có thông tin về màu sắc của hoa và hình ảnh của quả. Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu người Pháp, Úc, Nhật Bản, Việt Nam… điều tra nhưng chưa ghi nhận thêm thông tin gì về hình ảnh tự nhiên, hình dáng quả và đặc biệt là màu sắc của hoa. Vì vậy, trên các tư liệu khoa học nhiều nhận định về màu sắc của hoa có màu vàng, trắng hoặc đỏ. 
 
Phát hiện của nhóm nghiên cứu ThS. Lương Văn Dũng đã chính thức xóa bỏ những phỏng đoán trên và có ý nghĩa khoa học rất quan trọng để xác định chính xác một loài thực vật. Kết quả này càng khẳng định tính đa dạng cao của hệ thực vật tại dãy núi Hòn Giao, Khánh Hòa và chính thức công bố loài Trà mi Krempf chưa bị tuyệt chủng. 
 
Nụ Trà mi Krempf
Nụ Trà mi Krempf

 

Hoa Trà mi Krempf
Hoa Trà mi Krempf
 
MINH ĐẠO