Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

03:12, 11/12/2013

Một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển năng lượng tái tạo và NLHN. Theo kế hoạch, vào năm 2020, Việt Nam sẽ bắt đầu sử dụng NLHN. Dự kiến đến năm 2050, sản lượng điện hạt nhân sẽ chiếm từ 15 - 20% sản lượng điện toàn quốc...

Là 1 trong 7 cơ sở của cả nước có nhiệm vụ tham gia đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng hạt nhân (NLHN) giai đoạn 2013 - 2020 ngành Kỹ thuật hạt nhân (KTHN) nhằm phát triển nguồn nhân lực cho chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử, đáp ứng nhu cầu phát triển điện hạt nhân, ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước. 
 
Một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển năng lượng tái tạo và NLHN. Theo kế hoạch, vào năm 2020, Việt Nam sẽ bắt đầu sử dụng NLHN. Dự kiến đến năm 2050, sản lượng điện hạt nhân sẽ chiếm từ 15 - 20% sản lượng điện toàn quốc. Để triển khai thành công kế hoạch xây dựng và sử dụng điện hạt nhân thì phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Theo tính toán, đến năm 2020, nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân phải có 2.400 kỹ sư và cử nhân được đào tạo; 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành điện hạt nhân; 650 kỹ sư và 250 thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành quản lý, ứng dụng và bảo đảm an ninh hạt nhân; đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể về việc phát triển chương trình điện hạt nhân quốc gia, đặc biệt là Quyết định 1558 về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này và giao cho Trường Đại học Đà Lạt là 1 trong 7 cơ sở trong cả nước đào tạo hệ chính quy trình độ đại học ngành KTHN.
 
Theo đó, Trường Đại học Đà Lạt đã thành lập Khoa KTHN vào năm 2011 gồm hai hướng đào tạo là “Vật lý hạt nhân” và “Kỹ thuật hạt nhân”. Xác định đây là thế mạnh của trường nên Đại học Đà Lạt không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng dạy Khoa KTHN. Hiện Khoa có 2 PGS.TS và 3 TS, có 4 ThS đang làm nghiên cứu sinh, 6 Ths về lĩnh vực vật lý hạt nhân, hóa phóng xạ, sinh học phóng xạ được đào tạo, thực tập từ các nước có thế mạnh về lĩnh vực hạt nhân như Cộng hòa Liên bang Nga, Tiệp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, Trường còn có đội ngũ 7 giảng viên thỉnh giảng của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, đó cũng là sự liên kết và hợp tác tạo nên thế mạnh cho việc giảng dạy, đào tạo, triển khai thực hành, thực tập và thực hiện đề tài khóa luận tốt nghiệp. Trường đã và đang đào tạo nhiều lượt cán bộ cung cấp cho Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, các trung tâm ứng dụng KTHN, các bệnh viện… Với vị trí thuận lợi gần Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam, Trường ĐHĐL đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt thực hiện thành công một số hướng nghiên cứu. Khoa KTHN cũng đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đối tác Hàn Quốc (Viện Khoa học Kỹ thuật tiên tiến - KAIST, Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia - KAERI, Hiệp hội hạt nhân - KNA, Quỹ Hợp tác phát triển Hạt nhân - KONICOF, Trường Đại học Hanyang), Nhật Bản (Hiệp hội an toàn hạt nhân - NSRA, Viện Năng lượng nguyên tử - JAEA, Trường Đại học Osaka, Nagaoka, Hokkaido), Thụy Điển, Hungary, Thái Lan, Đài Loan… 
 
Khoa KTHN của Trường ĐHĐL đã tuyển 30 sinh viên năm học 2012 - 2013 và 40 sinh viên năm học 2013 - 2014. Chất lượng sinh viên đầu vào của ngành được nâng cao, điểm chuẩn năm 2013 là 21,5 điểm, cao nhất trong các ngành. Mức độ quan tâm của học sinh cuối cấp đối với ngành KTHN của Trường gia tăng, 404 hồ sơ nộp vào ngành KTHN năm 2013 so với 240 hồ sơ năm 2012. Sinh viên theo học ngành KTHN được miễn học phí, miễn phí ký túc xá, đây cũng là chính sách của Trường ĐHĐL nhằm thu hút sinh viên giỏi theo học ngành KTHN để trở thành kỹ sư với các chuyên ngành Lò phản ứng và NLHN, An toàn phóng xạ và quan trắc môi trường, KTHN ứng dụng. Sinh viên tốt nghiệp chương trình này có thể làm việc tại nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở khai thác ứng dụng của KTHN, các trung tâm quan trắc phóng xạ môi trường, các cơ sở nghiên cứu viện, trường, và nhất là cung ứng nguồn nhân lực cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai. 
 
Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp đầu vào cho đào tạo sau đại học, đáp ứng yêu cầu cao về xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có chất lượng cao cho đất nước trong lĩnh vực khoa học và KTHN. “Nhà trường đang xây dựng một chương trình học tiên tiến nhằm đào tạo chất lượng cao dành cho sinh viên khoa KTHN đạt tiêu chuẩn quốc tế và sẽ áp dụng vào chương trình giảng dạy trong năm học tới, mục tiêu là hướng đến khoa học công nghệ cao trong tương lai”, TS. Mai Xuân Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHĐL cho biết. 
 
Tuấn Hương