Quản lý Internet theo hướng "đi trước thời gian"

03:12, 11/12/2013

Hội thảo Internet Day 2013 Kỷ niệm 16 năm Internet Việt Nam với chủ đề "Tương lai nền kinh tế Internet Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như: Google, VNPT, FPT, Viettel, VNG... 

Hội thảo Internet Day 2013 Kỷ niệm 16 năm Internet Việt Nam với chủ đề “Tương lai nền kinh tế Internet Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như: Google, VNPT, FPT, Viettel, VNG... 
 
Ngày 19.11.1997 là ngày đầu tiên Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu. Sau 16 năm, tính đến quý 3.2012 Việt Nam đã có 30,8 triệu người dùng, đứng thứ 18/20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới. Thị phần truy nhập Internet cố định hiện nay chủ yếu tập trung vào 5 doanh nghiệp lớn gồm: VNPT, FPT, Viettel, CMC, SCTV. 
 
Về thị trường Internet di động, Bộ TT&TT đã cấp 4 giấy phép cho Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnam Mobile nhưng 3 doanh nghiệp lớn gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đang chiếm tới 98% thị phần. Đến tháng 10.2013, thị trường băng rộng cố định có khoảng hơn 5 triệu thuê bao, trong đó 87,5% sử dụng ADSL (dịch vụ chất lượng thấp, giá rẻ). Ở lĩnh vực di động hiện có khoảng 19 triệu thuê bao 3G, kém xa Hàn Quốc và Singapore dù có khá hơn so với Malaysia và Trung Quốc. So với năm 2000, số lượng người dùng Internet Việt Nam đã tăng khoảng hơn 15 lần. Với lượng khách hàng và thị phần khá ấn tượng như vậy nhưng tổng doanh thu từ Internet của Việt Nam chỉ ở mức rất khiêm tốn. 
 
Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của Internet, các cơ quan quản lý nhà nước đã xác định phải thay đổi tư duy quản lý theo hướng “quản lý thúc đẩy sự phát triển” thay vì đuổi theo tốc độ phát triển như trước đây. 16 năm qua, Việt Nam đã xây dựng hạ tầng viễn thông hiện đại với băng thông rộng tốc độ cao, giá cước hợp lý, nói cách khác là đã hình thành xa lộ thông tin.
 
Về thương mại điện tử, cần xây dựng hạ tầng Internet đủ mạnh, sản xuất các nội dung số phục vụ thương mại điện tử phù hợp trong một môi trường an ninh cao nhất. Các cơ quan quản lý sẽ chú trọng tới việc làm sao để có môi trường pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bình đẳng, vươn ra toàn cầu. Ngoài việc thúc đẩy phát triển Internet thì cũng phải có biện pháp ngăn chặn tội phạm, hành vi tiêu cực, có chế tài xử phạt nghiêm những hành vi lợi dụng Internet để vi phạm pháp luật hoặc vi phạm lợi ích của xã hội và người dân. Một trong những giải pháp tốt nhất là tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, đưa ra các chỉ dẫn cách dùng Internet hiệu quả, sử dụng cho những mục đích tốt để phát huy hiệu quả của Internet.
 
PV (Theo Báo Văn hóa)