Đơn vị tiêu biểu của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt

03:01, 07/01/2014

Đó chính là Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, một đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Trong nhiều năm liền đây là đơn vị tiêu biểu trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Đó chính là Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, một đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Trong nhiều năm liền đây là đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Vận hành thiết bị sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ - Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt
Vận hành thiết bị sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ
- Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt
 
Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ chính thức thành lập năm 2005 nhưng trước đây là một đơn vị cấp phòng của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, Trung tâm còn góp phần không nhỏ cùng Viện đưa những ứng dụng của công nghệ hạt nhân vào thực tiễn đời sống tại Việt Nam. 
 
Trong nhiều năm qua,Trung tâm đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực hóa phóng xạ, hóa học và sinh hóa; nghiên cứu phát triển và hoàn thiện quy trình sản xuất nhằm triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn; điều chế sản xuất đồng vị phóng xạ và các chất đánh dấu, các chế phẩm dùng chẩn đoán và điều trị bệnh trong y học và các ngành có nhu cầu; tư vấn kỹ thuật cho các cơ sở ứng dụng đồng vị phóng xạ để phát triển các ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các lĩnh vực kinh tế quốc dân; chuyển giao công nghệ sử dụng các chất phóng xạ; đào tạo cán bộ và tham gia các chương trình hợp tác quốc tế...
 
Thành công lớn nhất của Trung tâm cho đến nay, theo thạc sỹ Dương Văn Đông - Giám đốc Trung tâm, chính là việc đưa tiến bộ của công nghệ hạt nhân vào lĩnh vực y học. “Phóng xạ ứng dụng rất nhiều trong đời sống, nhưng y học hạt nhân là một mũi nhọn mà lâu nay chúng tôi đang tập trung vào” - ông Đông cho biết. Dựa vào hoạt động của lò phản ứng hạt nhân, Trung tâm cho đến nay là nơi duy nhất tại Việt Nam sản xuất các đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu dùng chẩn đoán và điều trị bệnh. Hiện Trung tâm đã sản xuất trên 30 sản phẩm khác nhau cung cấp cho hầu hết các bệnh viện lớn trong nước, từ trung ương đến các tỉnh thành, dùng trong các khoa y học hạt nhân, chủ yếu cho chẩn đoán, điều trị ung thư. Trung tâm lâu nay đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện trong nước thành lập các khoa y học hạt nhân, không chỉ bệnh viện tuyến trung ương mà gần đây là các bệnh viện ở các tỉnh thành. Hiện Trung tâm đang cung cấp sản phẩm cho 25 khoa y học hạt nhân của các bệnh viện, viện nghiên cứu trong nước. Tuy nhiên, do công suất của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt khá thấp (500 KW) nên dù đã nâng tần suất hoạt động và trên 90% chất phóng xạ sản xuất trên lò được dùng vào mục đích y học nhưng theo ông Đông, vẫn chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% thị trường trong nước. Các sản phẩm của Trung tâm được sản xuất theo một qui trình nghiêm ngặt đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng có giá thành khá thấp so với sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài về. Trong năm 2013, Trung tâm đã sản xuất và cung cấp 25 đợt đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu (Kit) cho các bệnh viện và một số cơ quan nghiên cứu trong nước với tổng cộng 402,7Ci các chủng loại đồng vị phóng xạ, tổng doanh thu gần 11 tỷ đồng.
 
Trong sản xuất, theo ông Đông, toàn bộ 17 cán bộ của Trung tâm đều hoàn tất công việc với một ý thức trách nhiệm cao, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về mặt an toàn phóng xạ cho người vận hành cũng như bệnh nhân sử dụng sản phẩm. Trung tâm không ngừng nghiên cứu hoàn thiện các quy trình sản xuất ngày càng tốt hơn, điển hình trong năm là việc cải tiến rút ngắn qui trình sản xuất viên nang đồng vị I - 131 từ 5 giờ xuống còn 2 giờ (nhân viên bức xạ không còn làm việc kéo dài như trước), hoặc như trong sản xuất tấm áp đồng vị P-32 dùng điều trị bệnh ngoài da. Trước đây, để sản xuất sản phẩm này, Trung tâm phải dùng Phốt pho đỏ phủ lên các tấm vải hoặc nhựa dẻo rồi chiếu xạ lên lò phản ứng. Do trong phốt pho đỏ có chứa nhiều tạp chất kim loại nên khi kích hoạt bằng Neutron sẽ có 2 tia beta và gamma kèm theo trong khi bệnh nhân điều trị chỉ cần tia beta, vì vậy, cả người bệnh và nhân viên bức xạ phải chịu một liều gamma không cần thiết. Thay thế cách làm này, Trung tâm đã nghiên cứu dùng hóa chất P2O5 tinh khiết làm vật liệu bia chiếu xạ để loại bỏ tia gamma, an toàn hơn cho người bệnh và khả năng điều trị tốt hơn, được các bệnh viện đánh giá rất cao. 
 
Trung tâm trong năm 2013 còn hợp tác với các tổ chức và bệnh viện hàng đầu trong nước để nghiên cứu điều chế các sản phẩm mới như dược chất phóng xạ kháng thể kháng nhân (ANA) đánh dấu đồng vị I-131 dùng trong điều trị ung thư xương, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt; nghiên cứu công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với đồng vị phóng xạ I-131 dùng trong điều trị ung thư ác tính Lympho bào B không Hodgkin. Trong năm, Trung tâm đã hỗ trợ trang thiết bị cho Bệnh viện Phú Yên thành lập và vận hành khoa Y học hạt nhân. 
 
Trong hợp tác quốc tế, Trung tâm đã cùng Tổ chức Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA - RCA thực hiện việc xây dựng cơ sở sản xuất dược chất phóng xạ đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất tốt GMP, hợp tác với Hàn Quốc trong nghiên cứu điều chế đồng vị Lu-177 và các dược chất phóng xạ, hợp tác với Trung tâm đồng vị phóng xạ POLATOM quốc tế nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất.
 
Trong nhiều năm liền, Trung tâm là một trong những tập thể lao động xuất sắc của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt với Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc từ năm 2009 đến nay. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ tặng bằng khen là đơn vị xuất sắc của ngành. Với cấp tỉnh, Trung tâm đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen là đơn vị điển hình xuất sắc trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2009 đến năm 2013 tại tỉnh Lâm Đồng; được Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Bằng khen là đơn vị có thành tích xuất sắc trong 3 năm liền Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2013.
 
VIẾT TRỌNG